Tuyển sinh đại học 2017
Băn khoăn đầu vào, lo lắng đầu ra ngành sư phạm
Cập nhật ngày: 18/08/2017 07:14:03
ĐTO - Có thể nói chưa bao giờ chất lượng đội ngũ giáo viên được dư luận đặc biệt quan tâm như hiện nay, xuất phát từ kết quả xét tuyển thí sinh vào ngành sư phạm với điểm chuẩn nhiều trường, nhiều chuyên ngành ở mức 12,75 điểm (điểm quy chuẩn bằng điểm sàn là 15,5 điểm) đối với hệ đại học và chỉ 9 - 10 điểm đối với hệ cao đẳng.
Những năm đầu sau giải phóng (1975) và những năm 80 của thế kỷ trước, để nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu giáo viên do số lượng học sinh tăng cao, Nhà nước cấp tốc đào tạo giáo viên theo phương thức 9 + 3 hoặc 12 + 1 (học xong lớp 9 phổ thông học 3 năm sư phạm hoặc học xong lớp 12 phổ thông học 1 năm sư phạm). Sau đó, nhất quán chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu, giáo viên là nhân tố quyết định, Nhà nước có những chính sách mạnh mẽ đầu tư cho ngành giáo dục như lần lượt hầu như tỉnh nào cũng có trường sư phạm hoặc đào tạo ngành sư phạm, đào tạo từ trung học đến đại học, cả chính quy và tại chức; giáo viên được chuẩn hóa, sinh viên ngành sư phạm được miễn học phí... Từ đó số lượng giáo viên dần đáp ứng yêu cầu, chất lượng giáo viên được nâng lên.
Tuy nhiên, do tỷ lệ phát triển dân số giảm, những giáo viên không đạt chuẩn được chuyển ngành hoặc về hưu trước tuổi, biên chế giáo viên ổn định, trong khi đó số lượng sinh viên ngành sư phạm hầu như không giảm mà còn tăng bởi ngoài đào tạo chính quy còn có các hình thức đào tạo tại chức, liên thông, liên kết, hệ quả là hiện có hàng chục ngàn sinh viên ngành sư phạm ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái ngành nghề. Để khắc phục tình trạng này, một số địa phương chủ trương hoặc bản thân sinh viên tự mình đào tạo lại ngành nghề phù hợp nhưng số lượng không nhiều.
Thời gian, tiền bạc, công sức bỏ ra để học sư phạm nhưng sau đó thất nghiệp là cả một sự lãng phí không nhỏ nguồn lực xã hội, trong đó có thứ không cân đong đo đếm được là lãng phí chất xám.
Thực trạng giáo viên dư thừa có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, như tư tưởng nặng bằng cấp “nhất sĩ nhì nông” không gắn với việc làm, thu nhập; công tác đào tạo giáo viên chưa gắn với tỷ lệ phát triển và quy mô dân số và dự báo nhu cầu của ngành giáo dục cả nước, công tác định hướng nghề nghiệp còn mang tính hình thức; chuẩn đầu vào của ngành sư phạm ngày càng dễ hơn cùng với ưu đãi sau khi trúng tuyển so với ngành học khác; do cơ chế tự chủ tài chính, trường đại học, cao đẳng sư phạm muốn “sống” được phải có sinh viên, vì vậy có nơi hạ điểm xét tuyển, đa dạng hóa hình thức đào tạo giáo viên... và không thể bỏ qua quy luật cung cầu hàng hóa sức lao động trong nền kinh tế thị trường.
Còn thực trạng điểm xét tuyển năm 2017 của ngành sư phạm và một số chuyên ngành sư phạm ở nhiều trường mặc dù thấp nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng là dấu hiệu tích cực, khi sinh viên và gia đình họ đã có sự lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường lao động. Tuy nhiên, thực trạng đó là cảnh báo: nếu trường sư phạm không nhanh chóng khắc phục tình trạng chất lượng đầu vào thấp cộng với chất lượng đào tạo thấp thì hệ quả không tránh khỏi là chất lượng đầu ra không cao, bởi theo quy luật thì chất lượng đầu vào là điều kiện cần quyết định chất lượng đầu ra. Trường sư phạm dù cố gắng đến đâu cũng khó có thể đào tạo đa số sinh viên có năng lực kém trở thành giáo viên giỏi, do chất lượng khi ra trường không đáp ứng yêu cầu nên không tìm được việc làm, từ đó ảnh hưởng đến “thương hiệu” của trường, kéo theo số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường sụt giảm, và để có sinh viên, trường phải giảm chuẩn... Cái vòng luẩn quẩn đó đã và đang góp phần kéo giảm chất lượng giáo dục đất nước.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mạnh dạn, quyết liệt trong việc giao chỉ tiêu tuyển sinh, cả bậc học và ngành học cho các trường sư phạm, xuất phát từ nhu cầu về số lượng và chất lượng giáo viên của cả nước chứ không thể tùy từng địa phương, trên cơ sở rà soát tỷ lệ phát triển và quy mô dân số; thu hẹp quy mô hoặc giải thể những trường, cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, chất lượng thấp; quy định điểm sàn tuyển sinh ở mức trung bình trở lên của các ngành học khác; kiến nghị Chính phủ có thang bậc lương riêng của ngành giáo dục, có chế độ đãi ngộ đặc biệt gắn với trách nhiệm của giáo sinh như với sinh viên ngành công an, quân sự: miễn phí học tập, ăn ở trong thời gian học, có việc làm sau khi ra trường với thu nhập cao so với mặt bằng chung của Việt Nam nhưng phải tuyệt đối chấp hành sự phân công, có biện pháp chế tài mạnh những trường hợp không chấp hành.
“Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” không phải do thí sinh muốn vậy. Sinh viên ngành sư phạm cũng không có lỗi về chất lượng đầu ra, mặc dù chất lượng sinh viên và sau đó là chất lượng giáo viên quyết định chất lượng ngành giáo dục, không chỉ trong một vài năm mà là hàng chục năm, từ lúc giáo viên lần đầu tiên lên bục giảng cho đến lúc về hưu.
Chất lượng đầu vào, đầu ra ngành sư phạm không còn là băn khoăn, lo lắng mà đã trở thành bức xúc của toàn xã hội, đòi hỏi cả cộng đồng cùng chung tay góp sức, trước hết và chủ yếu là ngành giáo dục cần mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn nữa, để nâng cao chất lượng giáo viên, từ đầu vào, vì sự hưng thịnh và phát triển của quốc gia, dân tộc.
Hữu Ý