Nhà giáo với dạy - học trực tuyến
Cập nhật ngày: 16/11/2021 06:22:23
Có thể sắp tới, dạy - học trực tuyến sẽ tạm dừng, nhường chỗ cho dạy - học trực tiếp, do đại dịch Covid - 19 đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, để dự phòng cho những đợt dịch tiếp theo có thể bùng nổ, đặc biệt, để thích ứng với sự phát triển của thời đại phát triển như vũ bão của công nghệ - thông tin trong cuộc cách mạng 4.0, thiết tưởng, vấn đề dạy - học trực tuyến vẫn phải được quan tâm một cách rốt ráo, thường xuyên. Đó không chỉ là nỗi niềm tâm huyết, trăn trở của ngành giáo dục - đào tạo, của rất nhiều thầy giáo, cô giáo, nhất là những người đang trực tiếp dạy - học trực tuyến (dạy - học online) mà còn của cả cộng đồng, xã hội.
Dạy - học trực tuyến với hầu hết thầy giáo, cô giáo là vẫn còn xa lạ, mới mẻ. Nhiều giáo viên cấp tiểu học và một số giáo viên cấp THCS, ngay cả việc sử dụng máy vi tính cũng là lần đầu, nói chi đến thao tác, quy trình dạy - học trực tuyến, hoàn toàn không đơn giản, dễ dàng và quen thuộc chút nào.
Thứ đến là từ phía học sinh, những khó khăn, trục trặc để học trực tuyến cũng không hề ít. Có một bộ phận học sinh chưa đủ điều kiện, khả năng tương thích để học trực tuyến như: không hoặc khó được trang bị các thiết bị như các loại máy vi tính hay điện thoại thông minh..., nhất là học sinh ở các vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn đặc biệt. Đặc biệt, có những môn, những bài, chỉ có máy vi tính bàn hay máy tính xách tay (laptop), chí ít là máy tính bảng, mới có thể tương thích với kiểu dạy - học này. Smarphone, dù thông minh đến mấy, nhiều khi cũng chịu bó tay... Đó là chưa nói đến những tai nạn ngoài mong đợi mà khi dạy - học trực tuyến rất dễ xảy ra như trường hợp của học sinh lớp 5 ở Nghệ An đã tử vong do smarphone nổ, trong khi vừa sạc pin vừa học (ngày 14/10/2021).
Ngay cả trong tình hình thiết bị phục vụ dạy - học trực tuyến coi như tạm ổn từ hai phía thầy và trò (được trang bị tương đối đầy đủ, đạt chất lượng cho phép...), thì không ít trục trặc vẫn thường xảy ra như: hiện tượng mất mạng hay gián đoạn mạng internet, khiến một tiết học có khi dài gấp hai, gấp ba thời gian thực; thao tác và chất lượng kết nối nghe, nhìn từ hai phía thầy và trò, nhiều khi phải mất khá nhiều thời gian, nhưng không ít lần vẫn phải chấp nhận tình huống: thầy nói, trò không nghe; chỉ có hình, không có tiếng hoặc ngược lại. Mà mạng internet ở nước ta, không phải đã phủ khắp, phủ mạnh mọi vùng, miền, chưa nói đến gói mô - đun thuê bao của mỗi nơi, mỗi gia đình mạnh, yếu khác nhau, khiến chất lượng đường truyền không đồng nhất...
Các cấp, các ngành, nhất là ngành giáo dục - đào tạo đã nắm bắt, dự báo được tình hình này và đã có những cố gắng nhất định, qua đó, tìm mọi phương cách phủ máy tính một cách nhiều nhất có thể, nhằm giúp học sinh các vùng khó khăn có thiết bị, điều kiện tương đối công bằng với các vùng miền phát triển khác. Tiêu biểu phải kể đến Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Báo Tiền phong phát động, nhằm kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân, nhà hảo tâm... ủng hộ máy tính bàn, máy tính xách tay... mới hoặc cũ (nhưng còn sử dụng tốt) để trang bị cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước. Nhiều nhà mạng cũng đã có những cải tiến, nâng cấp, phủ sóng mạng lưới internet một cách tốt nhất, tiêu biểu như Viettel, Vinaphone...
Trước tình hình đó, với mong muốn quy trình, thao tác dạy - học trực tuyến không chỉ trôi chảy, hiệu quả trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh như hiện nay, mà sau này, trong xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ - thông tin và cuộc cách mạng 4.0, xin mạo muội đưa ra mấy đề xuất nhỏ sau đây:
Thứ nhất, đối với người dạy, ngoài việc được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng cơ bản, cần thiết của dạy – học trực tuyến, từng kỹ năng thao tác cụ thể và xử lý tình huống khi dạy - học trực tuyến, từng người thầy, người cô phải thường xuyên tự nghiên cứu để bổ sung tri thức, kỹ năng và từng bước hoàn thiện, thuần thục các công đoạn dạy - học trực tuyến. Đây mới là vấn đề quan trọng hàng đầu của quy trình áp dụng dạy - học trực tuyến. Sự cầu thị, cầu tiến, khiến mỗi giáo viên có ý thức không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn và tính mỹ quan của mỗi tiết dạy - học trực tuyến. Nói một cách mộc mạc, chỉ có siêng “vọc máy” thì mới tìm ra, xác lập, hoàn thiện những kỹ năng, động tác cho một tiết dạy - học trực tuyến hấp dẫn, hoàn hảo nhất có thể. Điều đó, cần nhiều thời gian tự tập luyện, trau dồi của mỗi người dạy. Thay vì như trước đây, khi dạy - học trực tiếp trên lớp, sau giờ dạy, người thầy sẽ có nhiều thời giờ để nghỉ ngơi, thư giãn và lo các hoạt động liên quan đến sinh hoạt gia đình, cá nhân, thì giờ đây, khoảng thời giờ đó phải rút lại, rút bớt, giành cho việc luyện tập, thực hành dạy - học trực tuyến. Càng thực hành, “luyện võ” nhiều thì chất lượng tiết dạy - học trực tuyến càng tốt, hay và hấp dẫn người học hơn. Đó là nguyên lý chung. Cái mới như dạy - học trực tuyến lại càng phải thực thi theo nguyên lý đó!
Thứ hai, đối với người học, hay nói cụ thể hơn là với từng gia đình có con em đang đi học là phải tự trang bị, cơ bản đáp ứng các thiết bị học trực tuyến như nói ở trên, chí ít và tối thiểu là chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, ngay cả một chiếc điện thoại thông minh vài triệu đồng, vẫn không ít gia đình không thể mua được cho con (và các con) sử dụng để học. Cách tốt nhất để khắc phục là từng học sinh và phụ huynh phải báo cáo và kết hợp với nhà trường, cũng như phường, xã nơi cư trú, qua đó cùng tìm cách giải quyết trong chừng mực tốt nhất có thể (ví dụ, đến học chung nhà bạn hoặc nhà trường, địa phương tổ chức các nhóm học chung, nhưng đảm bảo theo tinh thần cách ly...). Dạy - học trực tuyến chỉ có thể diễn ra khi phía người học tương thích với người dạy về mọi phương diện. Không có hoặc thiếu các tiêu chí tối thiểu từ người học, dạy - học trực tuyến sẽ không xuất hiện hoặc sẽ thất bại nhãn tiền.
Dường như đây là một nghịch lý vui, một dịp may, dịp hay. Nếu không có đại dịch Covid - 19 diễn ra một cách tàn khốc, dai dẳng như vậy, có lẽ việc dạy - học trực tuyến đã không hoặc chưa diễn ra một cách đại trà, toàn diện như hiện nay. Và câu chuyện trực tuyến hóa, online hóa, tiếp cận công nghệ - thông tin trong phương thức và thao tác dạy - học, có thể vẫn phải đợi một thời gian nữa, mới có thể được áp dụng và đi vào thực tiễn.
TAO ĐÀN