Thi THPT Quốc gia 2017: Cần có ngân hàng đề thi trắc nghiệm
Cập nhật ngày: 10/10/2016 10:57:06
Đề thi THPT Quốc gia năm 2017 phải kiểm tra được tư duy, kỹ năng của thí sinh. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần có ngân hàng đề thi đủ lớn và đạt chất lượng tốt.
Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Theo đó, kỳ thi có nhiều điểm mới là thí sinh sẽ làm 5 bài gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với Giáo dục thường xuyên).
Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN). Kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu TLTN được chấm bằng phần mềm máy tính. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm; đề thi của bài thi Toán, bài thi Ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất 1 phương án trả lời đúng. Đề bài thi Ngữ văn có phần Đọc hiểu và phần Làm văn.
Với phương án thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra, nhiều giáo viên, học sinh và một số chuyên gia giáo dục đang rất băn khoăn về câu hỏi cũng như việc đảm bảo chất lượng của đề thi trắc nghiệm các môn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Đóng góp vào việc xây dựng bộ đề và ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm, Tiến sĩ Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội từng tham gia chỉ đạo xây dựng bộ đề thi của trường cho rằng, các câu hỏi trắc nghiệm phải được thiết kế khoa học để học sinh có thể giải được.
Ngoài quy tắc thì còn có những nội dung liên quan có thể đo năng lực của thí sinh ở các cấp độ. Ví dụ như môn Toán ở cấp độ dễ thì thí sinh phải trải qua bao nhiêu bước tư duy sẽ ra được kết quả. Tương tự như vậy, để kiểm tra trình độ của thí sinh ở các cấp độ khá, giỏi thì thí sinh cũng cần phải nắm rõ kiến thức và trải qua những bước tư duy phức tạp hơn.
Việc ra các câu hỏi trắc nghiệm phải trải qua nhiều quá trình chuẩn hóa. Khi chọn câu hỏi cho đề thi thì phải cân nhắc vì gần như có nhiều đề thi tương đương nhau về độ khó. Điều này nhằm tránh sự không công bằng cho thí sinh khi băn khoăn giữa đề này khó, đề kia dễ.
Đề thi chuẩn hóa khác đề thi thông thường là có thử nghiệm trực tiếp ở thí sinh lớp 12 và để phân tích các mức độ khó. Việc ra đề, chọn đề thi cũng như chúng ta "bốc thuốc bắc". Đề thi có 50 câu với 50 ô vuông có nhiều vị được chặt ra những đoạn bằng nhau và máy tính có thể tự động chọn lựa 50 câu tương ứng như vậy. Đây là những điều cần phải làm để giải thủ thuật toán.
ĐH Quốc gia Hà Nội ra đề thi có cấu trúc đề bài tự chọn chỉ có 40 câu hỏi. Qua quá trình chấm thi, nhà trường nhận thấy khả năng phân tích đề của thí sinh tương đối tốt.
Trong khoa học đã chứng minh, số câu hỏi càng ít nhưng có độ phân loại được thí sinh thì đề thi đó có độ tin cậy và có giá trị cao.
Trong cấu trúc đề thi mới và với lượng câu hỏi như vậy có thể đánh giá được trình độ, khả năng và sự phân loại của thí sinh ở các cấp độ.
Để có đề thi kiểm tra được tư duy của thí sinh thì Bộ GD-ĐT cần có một ngân hàng đề thi đủ lớn. Với mỗi phương án đưa ra, Bộ cũng phải tính toán để tính khả thi cao nhất.
Với kinh nghiệm ra đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 4 năm qua, đến nay, nhà trường có khoảng 17.000 câu hỏi đề thi chuẩn hóa. Cách đây 5 năm, ĐH Quốc gia Hà Nội đã được Bộ GD-ĐT giao cho thí điểm đổi mới tuyển sinh nên trường đã nghiên cứu ra đề theo hướng đánh giá năng lực.
Với ngân hàng câu hỏi đề thi đó, theo chỉ đạo của Bộ là sẽ sử dụng các câu hỏi chuẩn hóa phù hợp với “ma trận” đề thi mới trong kỳ thi THPT Quốc gia và bù đắp thêm một số câu hỏi khác để sao cho thí sinh có 1 đề thi và làm được trên máy tính.
Từ nay cho đến tháng 5/2017 để hoàn thiện đề thi, chúng ta có đủ thời gian để cập nhật, bổ sung những câu hỏi, phần còn trống, còn thiếu và rà soát lại tất cả các câu hỏi của đề thi.
Trước khi tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chính thức đối với thí sinh, ĐH Quốc gia Hà Nội đều đưa ra những đề thi mẫu để các em tham khảo. Nhiều thí sinh ở những vùng khó khăn, người dân tộc khi tham dự kỳ thi đều làm được bài.
Bắt đầu từ năm 2017, thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm ở nhiều môn thi trong kỳ thi THPT Quốc gia (Ảnh minh họa)
Cấu trúc đề thi phải có sự phân loại năng lực của thí sinh
Điều quan trọng trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 là Bộ GD-ĐT phải có một ngân hàng câu hỏi đủ lớn và có chất lượng. Đó là quan điểm của PGS.TS Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.
Theo bà Phương Nga, ưu điểm của việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm là khi chấm điểm sẽ thực hiện bằng máy là ra kết quả chính xác, khách quan. Điều này sẽ khắc phục được bất cập khi giáo viên A, B, C chấm bài lệch nhau trong những tâm trạng khác nhau nên kết quả có thể vênh từ 0,25 đến 0,5 điểm.
Việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm không hề ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy THPT mà có thể đo được tư duy, logic, lập luận, phân tích của thí sinh để chọn ra phương án đúng nên việc ra đề thi trắc nghiệm khó hơn rất nhiều so với ra để theo hình thức tự luận.
Theo bà Phương Nga, thời gian công bố thi theo hình thức 5 bài thi của Bộ GD-ĐT ngay từ đầu năm học 2016-2017 là hợp lý. Lượng kiến thức kiểm tra đều nằm trong chương trình lớp 12 THPT nên học sinh đều có thời gian, tâm lý để chuẩn bị ôn tập tốt. Còn nếu Bộ GD-ĐT cứ để 3 năm nữa mới thi theo hình thức mới thì vẫn còn xảy ra tình trạng “học tủ, học lệch”. Điều này là rất bất cập và ảnh hưởng lớn đến học sinh.
Cấu trúc của đề thi cũng cần được quan tâm là Bộ GD-ĐT ra bao nhiêu câu hỏi dễ, trung bình và khó, gồm những kiến thức và kỹ năng gì. Các câu hỏi dễ, trung bình được có thể là học sinh có học lực từ mức Trung bình khá có thể làm được để đỗ tốt nghiệp THPT. Còn câu hỏi khó là dành cho thí sinh có học lực khá, giỏi và thông qua các câu hỏi này, các trường ĐH, CĐ có thể lựa chọn thí sinh vào trường nếu sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển.
Bộ GD-ĐT có thể tham khảo mô hình tổ chức và ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội đã thực hiện để xây dựng ngân hàng đề thi đủ lớn và đạt chất lượng để mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng.
Theo Bích Lan/VOV