Xử lý, khắc phục, chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học tại 2 trường Tiểu học Chu Văn An, Lê Quý Đôn
Cập nhật ngày: 18/09/2017 06:54:25
ĐTO - Sáng 15/9/2017, UBND TP.Cao Lãnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP.Cao Lãnh đã tổ chức họp báo, có thông cáo báo chí về các khoản thu đầu năm học 2017-2018 tại Trường Tiểu học (TH) Chu Văn An, TH Lê Quý Đôn, TP.Cao Lãnh.
Thông cáo đề cập các khoản thu phí đầu năm học tại 2 điểm trường trên, sự nhầm lẫn của phụ huynh về mức thu 16.738.000 đồng, hướng xử lý, khắc phục, chấn chỉnh trong thời gian tới.
Nguyên nhân bức xúc
Ngay sau thời điểm tựu trường, tại 2 điểm trường TH Lê Quý Đôn, TH Chu Văn An, Ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS), giáo viên chủ nhiệm (GVCN) tổ chức họp phụ huynh (PH) trong cùng một lớp học. Ngoài việc thông tin tình hình nội quy của lớp, của trường trong năm học mới, Ban ĐDCMHS cũng dự kiến các khoản thu đầu năm học.
Ngoài các khoản thu như: bảo hiểm y tế, bán trú, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh với người nước ngoài, Ban ĐDCMHS một số lớp còn đề xuất dự kiến thu thêm các khoản khác như: Câu lạc bộ Toán, Tiếng Việt, bảng tên; mua ti vi, laptop, quạt, vệ sinh, trải nghiệm... Những đề xuất dự kiến của Ban ĐDCMHS ở một số lớp được thông tin đến PH cùng dự họp trong lớp.
Sau khi cộng các khoản thu dự kiến của 1 năm học, một số PH lớp 1, lớp 2 hoang mang về các mức phí được Ban ĐDCMHS của lớp đặt ra. Trong đó, một số khoản phí PH tỏ vẻ không đồng tình là việc mua máy tính laptop cho giáo viên soạn bài. PH cho rằng điều này vô lý, với lý do nếu giáo viên đi dạy thì giáo viên có thể tự trang bị máy tính hoặc nhà trường trang bị, PHHS không thể trang bị... PH cũng không đồng tình như khoản thu hoạt động phong trào như tập dợt văn nghệ, đạo cụ, pin trợ giảng... Trong khi đó, một số PH khác tán thành không nêu ý kiến; những PH có điều kiện, muốn đầu tư cho con em học tại các lớp trên đã chủ động nộp tiền cho thủ quỹ lớp. Thông tin và những thắc mắc về các khoản thu được một số PH gọi điện đến đường dây nóng của cơ quan báo đài, đưa lên mạng xã hội như một cách bày tỏ bức xúc về các khoản thu vượt “mức kiểm soát” do Ban ĐDCMHS mỗi lớp đưa ra. Điều này tạo nên một thông tin dư luận nhầm lẫn đáng tiếc, bởi lẽ các khoản thu như đã được đăng tải trên mạng xã hội chỉ là một khoản thu dự kiến của Ban ĐDCMHS của lớp đưa ra, không phải thông báo của nhà trường, ngành giáo dục. Các khoản thu phí chưa được xác định gây hiểu nhầm trên là khoản phí được cộng dồn cả một năm học bao gồm thu tự nguyện và các khoản thu hộ.
Thực tế các khoản thu bán trú, Tiếng Anh tăng cường được thu theo từng tháng, nếu PH cho con em học bán trú hay tiếng Anh thì đóng, còn không thì không đóng các khoản này. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã phát phiếu đăng ký cho học ngoại ngữ, bán trú theo nguyện vọng để PH đăng ký, nếu PH không đồng ý thì không đăng ký, nhà trường hoàn toàn không bắt buộc.
Phát hiện sai sót
Ngay sau khi thông tin được chia sẻ rộng rãi, Ban giám hiệu Trường TH Chu Văn An, TP.Cao Lãnh đã làm việc với Ban ĐDCMHS tại lớp có thông tin phản ánh. Đồng thời thông báo cụ thể việc thực hiện các khoản thu năm học 2017-2018 đến PHHS, trong đó nêu rõ nội dung thu gồm bảo hiểm tai nạn HS: 100.000 đồng/HS (PH tự nguyện tham gia); các khoản thu thống nhất giữa nhà trường và Ban ĐDCMHS gồm phí dạy 2 buổi/ngày là 80.000 đồng/tháng (thu theo từng tháng), bán trú là 36.500 đồng/ngày (thu theo từng tháng). Các khoản thu khác theo tự nguyện của HS như học phí tiếng Anh tăng cường của Công ty CPGD iSMART đối với lớp 1: gồm các lớp 1/1, 1/2, 1/3, 1/4 số tiền 600.000 đồng/tháng (thu theo từng tháng); HS học 4 tiết/tuần (có 2 tiết học với giáo viên nước ngoài). Lớp 2: gồm các lớp 2/1, 2/2, 2/3 với mức thu 600.000 đồng/tháng (thu từng tháng), HS học 4 tiết/tuần(có 2 tiết học với giáo viên nước ngoài). Lớp 3 gồm các lớp 3/1, 3/2 số tiền 360.000 đồng/tháng (thu theo từng tháng, HS học 2 tiết/tuần với giáo viên Việt Nam). Riêng lớp 2/4 học phí tiếng Anh tăng cường của Công ty TNHH GD GWIS số tiền đóng 1.100.000 đồng/tháng (thu từng tháng), HS học 6 tiết/tuần với giáo viên nước ngoài. Ngoài ra, nhà trường không có chủ trương thu thêm bất kỳ khoản thu nào khác để trang bị các thiết bị cho trường như máy chiếu, laptop, tivi... và gây quỹ của lớp học.
Như vậy, thông báo về việc thực hiện các khoản thu năm học 2017-2018 của Ban Giám hiệu Trường TH Chu Văn An được xem là một văn bản chính thống của nhà trường đưa ra về các khoản thu. Trên thực tế, đối với tiền học phí ngoại ngữ, tiền bán trú tùy theo nguyện vọng của PH, PH có nhu cầu thì đăng ký, nếu không có nhu cầu thì không đăng ký, học phí cho việc học ngoại ngữ, bán trú được nhà trường thu theo mỗi tháng.
Khi tiếp nhận thông tin phản ánh về việc Ban ĐDCMHS một số lớp có các khoản thu không đúng quy định như mua Laptop cho giáo viên, Thanh tra Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường đã làm việc với Ban ĐDCMHS, GVCN mỗi lớp đề nghị giải trình các khoản thu dự kiến được đề cập; kết quả các khoản thu tự nguyện làm cho mức thu dự kiến lên đến 16 triệu đồng không phải do trường đề xuất mà do Ban ĐDCMHS đưa ra. Sau buổi làm việc, Ban ĐDCMHS, GVCN đã viết tường trình, đồng thời nhìn nhận sai sót khi tự ý dự kiến các khoản thu không đúng với quy định của nhà trường, Phòng GD&ĐT. Số tiền thủ quỹ lớp đã thu do PH đóng góp đã được trả lại cho PH.
Tại trường TH Lê Quý Đôn, sau khi có thông tin phản ánh, Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng nhà trường đã kiểm tra sự việc. Hiệu trưởng đã nhận khuyết điểm do nhà trường chưa thực hiện đúng các thủ tục xã hội hóa theo qui định mà trường đã triển khai đến GVCN để vận động cha mẹ HS các lớp 1 mua trang thiết bị dạy giáo án điện tử (máy chiếu hoặc tivi và laptop). Tuy nhiên, qua phản ánh trường đã thấy việc phối hợp với Ban ĐDCMHS lớp tổ chức thu chưa đúng, trường đã dừng lại, không thực hiện khoản thu cha mẹ HS các lớp 1 để mua trang thiết bị dạy giáo án điện tử, một số PH đã đóng tiền rồi, thủ quỹ cũng đã trả lại cho PH.
Chấn chỉnh việc tự ý đặt ra các khoản thu
Có thể nói, việc tự ý đặt ra các khoản thu không đúng trong thời điểm đầu năm học của một số Ban ĐDCMHS và sự im lặng của GVCN đã gây ra sự bức xúc đối với một bộ phận PHHS khác. Về vấn đề này, Phòng GD&ĐT TP.Cao Lãnh cho rằng trong buổi họp PHHS đầu năm học giữa GVCN và PH HS thông thường Ban ĐDCMHS sẽ đề ra các mức dự trù kinh phí hoạt động cho lớp. Tuy nhiên, vấn đề dự trù các mức thu do Ban ĐDCMHS của lớp đưa ra đôi khi chưa được sự đồng tình của PH HS trong lớp. Điều này gây nên sự bức xúc trong PHHS, làm PHHS hiểu nhầm do nhà trường đặt ra các khoản thu. Do đó, để chấn chỉnh vấn đề này, Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng trường đã làm việc cụ thể với từng Ban ĐDCMHS, GVCN của mỗi lớp. Nếu phát hiện có dấu hiệu lạm dụng các khoản thu do Ban ĐDCMHS tự ý đề ra sẽ nghiêm khắc chấn chỉnh, xử lý.
Sau khi thông tin truyền thông đăng tải, Phòng GD&ĐT đã kiểm tra, chấn chỉnh các khoản thu đầu năm học đối với các trường trên địa bàn TP.Cao Lãnh, nhất là các khoản thu quỹ của Ban ĐDCMHS và xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng Phòng GD&ĐT TP.Cao Lãnh cho biết: “Vấn đề thu đầu năm học mới được Phòng GD&ĐT công khai, triển khai đến các đơn vị trường theo quy định. Mỗi lớp học có GVCN và Ban ĐDCMHS, nếu PH không đồng tình với các khoản thu bất hợp lý do GVCN hay Ban ĐDCMHS ở mỗi lớp đặt ra, PH có quyền phản đối hoặc thông tin đến lãnh đạo nhà trường, hoặc Phòng GD&ĐT theo địa chỉ email: giaoductpcl@gmail.com hoặc điện thoại: 0986.244.959, các trường đều công khai địa chỉ trên của Phòng GD&ĐT. Chúng tôi sẽ nghiêm túc xử lý những đơn vị trường, cá nhân làm trái quy định của ngành...”.
Như vậy, vấn đề các khoản thu đầu năm học tại 2 đơn vị Trường TH Chu Văn An, TH Lê Quý Đôn vừa qua có thể xem là một bài học kinh nghiệm đối với ngành GD&ĐT trong công tác quản lý, giám sát, tiếp nhận ý kiến của PHHS. Nếu ngay từ đầu năm học, ngoài việc triển khai các khoản thu theo quy định của ngành, Ban giám hiệu nhà trường chủ động giám sát chặt chẽ các khoản thu của Ban ĐDCMHS mỗi lớp để sớm nhắc nhở, điều chỉnh, xử lý; nếu GVCN lớp đề cao tính gương mẫu, đạo đức, trách nhiệm; nếu PHHS không sợ con em bị thiệt thòi quyền lợi mạnh dạn nêu rõ ý kiến không đồng tình thay vì im lặng chấp nhận những khoản thu không hợp lý; chủ động phản ánh với ngành GD&ĐT thông qua hệ thống đường dây nóng được niêm yết công khai tại các điểm trường thì có lẽ sự việc trên sẽ giảm thiểu những hiệu ứng xã hội không đáng có.
C.Phương