“Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững”

Cập nhật ngày: 27/11/2013 05:36:56

Ngày 26/11/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững khu vực phía Nam. Đồng chí Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đồng chủ trì hội nghị.


Quang cảnh hội nghị

Ngành chăn nuôi của Việt Nam trong những năm qua vẫn duy trì được mức tăng trưởng 5-6% năm, đáp ứng cơ bản thực phẩm cho nhu cầu trong nước. Có những bước đột phá, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất phù hợp trong nền kinh tế thị trường và hội nhập.

Theo thống kê, đến năm 2012, tổng đàn gia cầm đạt trên 308 triệu con (tăng bình quân 5,6%/năm), tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất bán là 730 ngàn tấn, tăng bình quân trên 12%/năm; sản lượng trứng sản xuất đạt trên 7 tỷ quả, tăng bình quân trên 10%/năm. Mặc dù năng suất đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, người chăn nuôi chưa có lãi cao. Bên cạnh, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được cải thiện; chất lượng con giống chưa đáp ứng được nhu cầu trong chăn nuôi...

Để hướng tới sự bền vững trong phát triển chăn nuôi, các đại biểu tham gia hội nghị cho rằng, cần có nguồn giống tốt đáp ứng nhu cầu chăn nuôi của bà con nông dân, đồng thời các ngành hữu quan phải xây dựng những quy trình phù hợp cho các mô hình chăn nuôi gia cầm, tiến tới quản lý thuốc thú y, phòng dịch bệnh. Nhiều ý kiến cùng quan điểm cho rằng tiến tới liên kết sản xuất tạo đầu ra cho sản phẩm là một trong những yếu tố cần thiết hiện nay...

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Vũ Văn Tám yêu cầu các ngành chức năng thuộc Bộ phải xây dựng nguồn giống đảm bảo chất lượng để phục vụ sản xuất, giúp doanh nghiệp sản xuất giống mới được đưa vào danh mục giống... Theo đó, xây dựng quy trình chăn nuôi phù hợp cho từng mô hình tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trong chăn nuôi, đồng thời đẩy mạnh khâu kiểm soát chất lượng thuốc thú y và phòng, chống dịch bệnh.

Song song đó, các địa phương cần rà soát, lựa chọn những giống gia cầm phù hợp để phát triển; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy mạnh liên kết, hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn