Phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới theo hướng tiên tiến
Cập nhật ngày: 27/11/2013 05:28:54
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực biên giới được tăng cuờng đầu tư đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, gắn với quốc phòng - an ninh...
Khối lượng hàng hóa, lượt người qua lại cửa khẩu ngày càng tăng
Tạo những bước chuyển cho kinh tế vùng biên, thời gian qua 2 cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà và Thường Phước được tập trung đầu tư cho các hạng mục công trình: đường giao thông, cầu tàu, khu bảo thuế, kho ngoại quan, chợ với tổng kinh phí đầu tư 102,720 tỷ đồng.
Theo đó, hạ tầng giao thông đường bộ quan trọng 5 năm qua được quan tâm triển khai xây dựng mới và nâng cấp. Quốc lộ 30 dài 120km (tỉnh Đồng Tháp 111km) nối kết với đường 102 của tỉnh Prâyveng - Campuchia, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa từ các khu kinh tế, cửa khẩu trong tỉnh đến các khu công nghiệp, trung tâm thương mại của địa phương và các thành phố lớn. Hiện nay, tuyến đường này đang được Trung ương tiếp tục đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng.
Sự cộng hưởng của nhiều công trình đường bộ trọng điểm của tỉnh như ĐT 841, ĐT843, đường Dinh Bà - Xuyên Á không những có ý nghĩa rất lớn về mặt xã hội - an ninh, quốc phòng mà còn có vai trò kết nối vùng miền. Bên cạnh đó, giao thông thủy cũng là điểm nhấn quan trọng góp phần vào sự phát triển chung của khu vực.
Ngoài ra, hạ tầng thủy lợi, điện, cấp nước, thông tin - truyền thông cũng được đẩy mạnh đầu tư. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn được hình thành cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới, tiêu trong sản xuất, hệ thống lưới điện đã đáp ứng cho 8 xã biên giới và các đồn, trạm biên phòng. Đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, đã xây dựng trạm cấp nước xã Tân Hộ Cơ công suất 1.500-2.000m3/ngày, trạm cấp nước ở các trung tâm xã, và các trạm cấp nước của các đồn Biên phòng có công suất 150-200m3/ngày.
Nhằm bố trí, ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2008 - 2015, có 8 cụm, tuyến dân cư, được xây dựng bố trí chỗ ở cho 929/1.472 hộ dân, đạt tỷ lệ 63% kế hoạch. Riêng chương trình cụm, tuyến dân cư giai đoạn 1 đã bố trí 7.532/7.563 hộ dân vào ở, đạt tỷ lệ 99,6%. Theo đó, các đồn, trạm đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản, bố trí trên các hướng, địa bàn trọng yếu; trang bị cơ sở vật chất đầy đủ, công trình chiến đấu xây dựng kiên cố, vững chắc, đáp ứng cơ bản yêu cầu đặt ra.
Qua những năm đầu tư, đến nay kinh tế biên mậu và dịch vụ có bước phát triển khá. Với hệ thống chợ được đầu tư nâng cấp, phát triển theo chuẩn quốc gia, quốc tế, tạo thuận lợi bước đầu cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa giữa 2 bên biên giới và nước thứ 3. Khối lượng hàng hóa, lượt người qua lại cửa khẩu ngày càng tăng lên. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của tỉnh năm 2009 đạt 35,12 triệu USD, tuy nhiên đến năm 2013 đã đạt 60 triệu USD. Bình quân giai đoạn 5 năm 2009-2013, tăng 11,5%/năm.
Đáng lưu ý, các địa phương biết khai thác thế mạnh của mình trong chuyên canh cây lúa, lợi thế trong chăn nuôi, nâng số lượng trâu bò lên trên 4.500 con, sản lượng thủy sản nuôi đạt trên 9.500 tấn...
Việc xây dựng, phát triển các cửa khẩu góp phần đổi mới dần diện mạo nông thôn. Hàng năm, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Đến nay, 8 xã biên giới đều có đường ô tô đến trung tâm xã, 98% hộ dân sử dụng điện lưới, 80% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 8/8 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (theo chuẩn cũ).
Song, so với yêu cầu xây dựng, phát triển, bảo vệ khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là về hạ tầng. Các công trình đường tuần tra biên giới, đường ra biên giới chậm được Trung ương đầu tư xây dựng. Dù thời gian qua, đời sống dân cư được cải thiện, nhưng vẫn còn thấp. Ước tính năm 2013, mức thu nhập bình quân đầu người/năm đạt khoảng 14 triệu đồng (tỉnh là 27,6 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao, trên 16% (toàn tỉnh còn khoảng 8%).
Theo nhận định, nguyên nhân do nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp, chưa đủ sức cân đối theo nhu cầu xây dựng, phát triển. Theo đó, hình thức tổ chức sản xuất trên địa bàn chủ yếu là nông nghiệp còn đơn điệu, nhỏ lẻ...
Thời gian tới, ngoài việc khắc phục những khó khăn nhất định, tỉnh định hướng phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới theo hướng tiên tiến, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất quy mô lớn, nhu cầu xã hội theo hướng văn minh. Theo đó, cần gắn với kết hợp phục vụ kịp thời, hiệu quả nhu cầu quốc phòng - an ninh trên địa bàn; có sự tập trung lồng ghép đầu tư phát triển, hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng...
K.D