Cá điêu hồng tăng giá nhưng người nuôi vẫn lỗ
Cập nhật ngày: 26/09/2012 14:00:49
Trước thông tin cá điêu hồng nhiễm chất trifluralin có thể gây ung thư, cá điêu hồng thời gian qua rớt giá đến mức thê thảm, từ 32 - 33 ngàn đồng/kg giảm còn 20 - 22 ngàn đồng/kg làm cho nhiều người nuôi lỗ nặng. Khi các ngành chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm nghiệm, xác định cá điêu hồng không bị nhiễm chất cấm trifluralin thì giá cá bắt đầu tăng trở lại, nhưng người nuôi vẫn chưa có lời.
Hộ anh Phan Bữu Thành, ấp Tân Bình, xã Tân Thành, huyện Lai Vung đang nuôi 3 vèo, cá đạt trọng lượng từ 700 - 800gram, ước 3 vèo đạt tổng sản lượng khoảng 17 - 18 tấn cá. Mặc dù giá cá thời điểm này đã tăng trở lại, nhưng so với giá thành thì người nuôi vẫn còn lỗ. Anh Thành cho biết: Hiện nay đã kêu nhiều thương lái đến mua nhưng họ diện cớ không mua hoặc trả giá thấp hơn giá thời điểm 24.000 đồng/kg.
Trước đây, trung bình mỗi ngày anh cho cá ăn 15 bao thức ăn, nhưng hiện tại do giá thấp nên phần ăn giảm lại, cho cá ăn cầm chừng (5 bao/ngày). Như vậy tính ra mỗi ngày phải chịu lỗ thêm khoảng 1 triệu đồng, cá không lên ký, ngược lại còn ốm thêm do thiếu thức ăn. Hộ anh Dương Phúc Lý ở ấp Tân Bình cũng đang trong tâm trạng lo lắng. 2 vèo nuôi cá điêu hồng của anh ước đạt khoảng 15 tấn cá, nếu thu hoạch bán với giá 24 - 25.000 đồng/kg như hiện nay, anh lỗ khoảng 60 triệu đồng.
Các hộ nuôi ở đây cho biết, bình quân 1 tấn cá con cho ra 7 - 10 tấn cá thịt sau 6 tháng nuôi. Đến thời điểm thu hoạch, nếu thương lái không mua hoặc ép giá, người nuôi phải kéo dài thời gian nuôi, phải tăng thêm chí phí nhân công, thức ăn; cá lớn nhanh làm chật bè, thiếu oxy cộng với thời gian này nước từ thượng nguồn về mang theo nhiều mầm bệnh, nên cá bị nhiễm bệnh chết nhiều, tăng thêm phần thua lỗ.
Ông Cao Thanh Vân - Trưởng trạm Thú y huyện Lai Vung khuyến cáo: Do nước từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa và nhiều vi khuẩn, vì vậy cá dễ bị bệnh đỏ mang, bệnh đường ruột, bệnh lồi mắt... Để kiểm soát các loại dịch bệnh này, bà con nên thường xuyên kiểm tra vèo cá nuôi và theo dõi tập tính ăn của cá, nếu thấy có dấu hiệu khác lạ nên bắt cá lấy mẩu đưa đến ngành chức năng chẩn đón xét nghiệm để ngành chuyên môn hướng dẫn các biện pháp phòng trị hữu hiệu. Ngoài ra, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp hỗ trợ người nuôi cá điêu hồng, để họ an tâm hơn trong vụ nuôi tiếp theo.
Nguyên Hãn