Đẩy mạnh công tác truyền thông Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Cập nhật ngày: 09/10/2013 06:01:38
Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp tỉnh năm 2014, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2014, tỉnh sẽ tập trung triển khai 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu liên quan đến Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi Đề án được phê duyệt.
Thu hoạch lúa trên một cánh đồng liên kết ở Tân Hồng
Cụ thể, thứ nhất, Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có nhiều nội dung mới, do vậy cần quan tâm và đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo nhận thức sâu và đồng bộ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện đề án từ trong hệ thống chính trị các cấp cho đến cộng đồng các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân tỉnh nhà. Nhóm thực hiện Đề án đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho chủ trương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp hoặc bổ sung nhiệm vụ, thành phần của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ngay sau khi Đề án được phê duyệt. Trong đó, thành lập tiểu ban truyền thông để triển khai sâu rộng công tác này.
Nhiệm vụ thứ hai là tập trung xây dựng đồng bộ các cánh đồng liên kết lúa, khắc phục từng bước những bất cập trong thực hiện cánh đồng liên kết 2 năm qua, nhằm xây dựng lòng tin giữa nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ thông qua hợp đồng đối với các sản phẩm đã và đang xây dựng nhãn hiệu hàng hóa như: trái cây, hoa kiểng, rau màu, gia súc, thủy sản...
Đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong quá trình thực hiện Đề án, nhằm từng bước tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và các doanh nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa tiên tiến, trong đó lợi ích được phân chia hợp lý giữa các khâu và các bên tham gia chuỗi, hướng đến xây dựng các Hiệp hội ngành hàng chủ lực như: lúa gạo, thủy sản, trái cây.
Cánh đồng liên kết đã thành công bước đầu, nhưng để hoàn thiện và hướng đến mục tiêu dài hạn còn là một chặng đường dài, trong đó phải nâng phương thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, cánh đồng liên kết gồm 3 yếu tố quyết định: Hạ tầng cơ sở đồng bộ hướng đến hiện đại kết hợp với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác; liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là tổ chức lại sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác, có doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Như vậy, theo nhóm nghiên cứu Đề án, không chỉ dừng lại trong chủ trương kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ trong "cánh đồng liên kết" như đang làm, trách nhiệm tổ chức lại sản xuất mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của chính quyền và cả hệ thống chính trị. Xây dựng "cánh đồng liên kết" phải phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương, từng vùng, sẽ không có mô hình chung cho tất cả "cánh đồng liên kết", các loại nông sản. Như vậy, từng địa phương cần xây dựng mô hình riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương mình.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất chú trọng đến công tác tập trung củng cố và xây dựng kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX nông nghiệp theo Luật HTX sửa đổi năm 2012, nhằm đủ sức để hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ thứ 3 phải triển khai thực hiện trong năm 2014. Theo đó, hình thức kinh tế hợp tác phải được hình thành và phát triển từng bước, từ tổ hợp tác đến HTX, từ HTX đơn dịch vụ (như HTX bơm, tưới nước) đến nâng từng bước lên đa dịch vụ (cung cấp đầu vào, tổ chức đầu ra cùng với doanh nghiệp). Song hành với quá trình nâng dần từng bước đó là quá trình hỗ trợ nâng cao chất lượng quản trị, tổ chức bộ máy, đào tạo, huấn luyện cho các mô hình kinh tế hợp tác, mà trước hết là tổ chức tốt ở 16 HTX điểm đã chọn.
Nhiệm vụ thứ 4 là nâng cao chất lượng dạy nghề nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân; bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác dạy nghề phi nông nghiệp và tạo nhiều việc làm để chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này đòi hỏi sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự đồng thuận, quyết tâm vươn lên của cô bác nông dân. Trước hết ngành nông nghiệp cần kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng công tác dạy nghề nông nghiệp, điều chỉnh, bổ sung thêm danh mục các nghề sản xuất nông nghiệp có nhu cầu và phù hợp thị trường tiêu thụ.
Nhiệm vụ thứ 5 liên quan đến công tác tiến hành thí điểm việc tái cấu trúc bộ máy ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở nhằm phát huy có hiệu quả hơn năng lực, kinh nghiệm chuyên môn và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất nông nghiệp hàng hóa và hội nhập.
Theo nhóm nghiên cứu Đề án, nhiệm vụ này là một yêu cầu khách quan nhằm thích ứng với quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà theo Đề án tái cơ cấu, cũng như công tác cải cách hành chính giai đoạn hiện nay. Trong đó, năm 2013 - 2014, sẽ tập trung tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh (thành lập Trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sắp xếp, kiện toàn, luân chuyển, điều động đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành); thí điểm sắp xếp lại bộ máy khối nông nghiệp cấp huyện, ban nông nghiệp cấp xã; nghiên cứu cơ chế phát huy vai trò tự quản của ấp, tổ dân phòng liên kết trong thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở cấp cơ sở.
T.Hiền
(Lược ghi)