Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Bình
Vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng có hiệu quả

Cập nhật ngày: 01/02/2013 05:53:55

Năm 2012, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Tân Bình, huyện Thanh Bình thành lập “Tổ tuyên truyền thực hiện cánh đồng màu” tại ấp Tân Hội và đến từng nhà vận động người dân chuyển đổi mô hình trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu để tăng thu nhập.


Người dân ấp Tân Hội, xã Tân Bình có thu nhập khá hơn từ trồng cây hoa màu

Chị Nguyễn Thị Thoa - Tổ trưởng “Tổ tuyên truyền thực hiện cánh đồng màu” ấp Tân Hội cho biết, tổng diện tích đất sản xuất của ấp Tân Hội khoảng 73ha, trước năm 2010 người dân chỉ trồng lúa mỗi năm 2 vụ. Tuy nhiên, đến năm 2010, một số gia đình đã chuyển sang trồng màu, chủ yếu là các gia đình cán bộ của ấp và các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ phó các chi, tổ Hội ở địa phương.

Qua thực tế canh tác của các hộ này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa, từ đó địa phương đã nhân rộng mô hình cho người dân thực hiện, từ trồng lúa chuyển sang trồng màu với các loại cây như: ớt, bắp, khoai cao, mồng tơi.

Gia đình Nguyễn Thị Thoa - Tổ trưởng “Tổ tuyên truyền thực hiện cánh đồng màu” là một trong những hộ đi đầu trong việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng màu cho biết, trên diện tích 3.000m2 đất, trước đây trồng lúa, chị thu lợi nhuận cao lắm chỉ được 1,5 triệu đồng/công/vụ, nhưng từ khi chuyển sang trồng màu (trồng ớt) thu được lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa rất nhiều.

Chị Lê Thị Ngọc Bích, ngụ ấp Tân Hội cũng cho biết: “Trước đây, tôi thuê đất trồng lúa, mặc dù chịu khó tìm hiểu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng năng xuất vẫn không cao, mỗi công lúa lãi chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Có năm thất mùa bị lỗ nặng. Năm 2012, tôi chuyển sang trồng mồng tơi, được bà con chia sẻ kinh nghiệm nên vụ mồng tơi năm rồi tôi lãi được khoảng 10 triệu đồng/công, so sánh với sản xuất lúa chỉ lãi được khoảng 3 triệu đồng/công/năm, còn trồng mồng tơi thì lãi được từ 10 - 15 triệu đồng/công/năm. Tôi rất vui và quyết định chuyển hẵn sang trồng mồng tơi, không trồng lúa nữa”.

Đến nay, toàn ấp Tân Hội có hơn 90% hộ dân trong ấp chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, chỉ còn khoảng 3 hộ còn trồng lúa, với diện tích trên 1ha. Hiện các thành viên trong “Tổ tuyên truyền vận động thực hiện cánh đồng màu” của ấp đang tiếp tục vận động các hộ này chuyển đổi sang trồng cây màu. Được biết, đến thời điểm này, ấp Tân Hội đã được Hợp tác xã Tân Bình hỗ trợ đầu tư trạm bơm điện và nạo vét các kinh, mương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tưới tiêu phục vụ sản xuất.

Chị Đỗ Thị Xuân Lành - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình nhận xét, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần giúp người dân cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, cuối năm 2011, ấp Tân Hội có 113 hộ nghèo thì đến cuối năm 2012 chỉ còn 93 hộ nghèo. Có được kết quả này, một phần nhờ vào sự thành công của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Kim Ngân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn