Khởi nghiệp với sản phẩm kẹo đậu phộng truyền thống
Cập nhật ngày: 28/10/2019 13:42:42
Từ mong muốn đưa sản phẩm bánh, kẹo truyền thống vươn mình ra thị trường, cô Trần Thị Huỳnh Mai – chủ Cơ sở kẹo đậu phộng Huỳnh Mai (khóm 5, phường 1, TP.Sa Đéc) quyết định khởi nghiệp với sản phẩm kẹo đậu phộng…
Cô Trần Thị Huỳnh Mai chuẩn bị hàng cung ứng cho thị trường
Vừa nhanh tay xếp các nguyên, vật liệu cần thiết cho việc sản xuất kẹo đậu phộng, cô Trần Thị Huỳnh Mai vừa kể về quá trình hình thành sản phẩm kẹo đậu phộng Huỳnh Mai. Qua lời kể của cô Mai, năm 2011, đứa con trai duy nhất của cô đậu vào đại học nên cô quyết định lên TP.Hồ Chí Minh để làm công nhân với ý định vừa có thể chăm sóc con vừa làm kiếm thu nhập.
Trong nhiều lần cùng con trai về thăm quê, khi ghé vào các trạm dừng chân, quán ăn trên các tuyến đường, cô Trần Thị Huỳnh Mai thấy kẹo đậu phộng được bày bán khá đặc biệt với hương vị thơm, ngon. Tuy nhiên, các sản phẩm tại các điểm này thường xuất xứ từ nhiều nơi. Từ đó, cô Mai nghĩ sao mình không làm ra một sản phẩm gì mang nét đặc trưng riêng của địa phương để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp, sau khi tìm được nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất, đầu năm 2013, cô Trần Thị Huỳnh Mai trở về quê hương để bắt đầu thử nghiệm với sản phẩm kẹo đậu phộng. Thời gian đầu, quá trình khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất chủ yếu chỉ cầm chừng do thiếu vốn và thị trường còn nhỏ, lẻ. Ngoài ra, trước khi sản phẩm kẹo đậu phộng có mặt trên thị trường, cô Mai đã phải trải qua nhiều lần sản xuất thử nghiệm thất bại.
Sau khi làm chủ được quy trình sản xuất, với quyết tâm phát triển sản phẩm, cô Mai dành dụm kinh phí tích lũy để đầu tư máy móc, thiết bị giảm nhẹ chi phí, sản phẩm chất lượng và năng suất cao hơn nhiều lần so với cách làm thủ công. Qua đó, tạo được lòng tin cho khác hàng.
Cô Trần Thị Huỳnh Mai cho biết: “Quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với kẹo đậu phộng truyền thống nhưng để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, bản thân quan niệm phải tạo ra sự khác biệt cho “đứa con” của mình. Vì vậy, tôi rất cẩn trọng trong khâu chọn lựa nguyên liệu. Theo đó, sản phẩm được chế biến hoàn toàn từ mạch nha thay cho đường tinh luyện, đế kẹo được làm bằng bột khoai mì chế biến thay cho loại bột gạo thông thường. Riêng đậu phộng được cơ sở lựa chọn kỳ công hơn sao cho hạt to chắc, giữ được độ thơm sau khi chế biến. Tất cả nguyên liệu cùng hòa quyện vào nhau tạo thành sản phẩm kẹo thơm ngon từ màu sắc đến hương vị đặc trưng”.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng cô Trần Thị Huỳnh Mai vẫn luôn tìm tòi để đổi mới về hình thức, đa dạng chủng loại cho sản phẩm nhằm cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Cô Mai nhiệt tình tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm; tham gia các cuộc thi khởi nghiệp.
Nhờ vào chất lượng, tiếng lành đồn xa, các đơn hàng cứ thế ngày càng nhiều hơn, giúp cô Mai có điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư bao bì. Trong thời đại công nghệ số, cô Mai còn tận dụng cơ hội từ mạng xã hội Facebook, Zalo... để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Từ sự đầu tư có bài bản cộng với kinh nghiệm trong sản xuất, kẹo đậu phộng truyền thống Huỳnh Mai ngày càng được thị trường ưa chuộng. Hiện tại, sản phẩm không chỉ có mặt tại các trạm dừng chân, quán ăn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn lan rộng đến miền Đông Nam bộ, miền Trung...
Hiện cơ sở kẹo đậu phộng Huỳnh Mai xuất ra thị trường hơn 30.000 sản phẩm/tháng, mang về doanh thu khá cho gia đình. Đồng thời, cơ sở còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.
Chia sẻ về định hướng sản xuất trong tương lai, cô Trần Thị Huỳnh Mai cho biết, mục tiêu phát triển sản phẩm của cơ sở theo chương trình OCOP và xu hướng thực phẩm hữu cơ. Đồng thời, cơ sở sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhằm đa dạng sản phẩm, cơ sở sẽ cho ra mắt thêm nhiều loại bánh mới như: bánh tráng khoai môn hạt sen, khoai môn đậu phộng, bánh khoai mì hạt điều, bánh khoai mì đậu phộng... mang tính đặc trưng của quê hương Đồng Tháp.
KHÁNH PHAN