Những định hướng cho làng hoa kiểng Sa Đéc

Cập nhật ngày: 18/10/2013 03:57:19

Nhằm đáp ứng nhu cầu trong việc sản xuất hoa kiểng, chương trình sản xuất cây giống cấy mô được Trại giống nông nghiệp Tân Khánh Đông (thị xã Sa Đéc) thực hiện và đưa vào áp dụng để từng bước thay thế cách trồng theo kiểu truyền thống, chủ lực là các giống hoa cúc Đài Loan, Tiger, cúc Đồng Tiền...

Thời gian đầu triển khai áp dụng công nghệ mới gặp không ít khó khăn do người dân đã quen thuộc với phương thức trồng hoa truyền thống. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng Trại giống Tân Khánh Đông cho hay: “Do nhận thấy việc áp dụng phương thức truyền thống để sản xuất không đáp ứng được những tiêu chí nhất định, nên Trung tâm giống nông nghiệp đã triển khai sản xuất theo công nghệ này. Hoa cấy mô có những đặc điểm ưu việt như: sạch bệnh, phát triển mạnh, chất lượng hoa tốt, đồng đều hơn, đáp ứng nhu cầu sản lượng lớn của thị trường... Việc áp dụng sản phẩm cấy mô cho làng hoa được triển khai rộng rãi từ năm 2012, tuy nhiên người nông dân còn rất e dè khi tiếp nhận phương thức mới. Vì nếu trồng không thành công thì sẽ mất nguồn thu nhập”.

Bằng những mô hình sản xuất thực tế, người dân đã thấy được những tính ưu việt của phương thức sản xuất mới nên đồng lòng áp dụng sản phẩm cây trồng cấy mô. Theo thống kê, trong năm 2012, số lượng cây giống cấy mô cung ứng ra thị trường khoảng 40.000 cây các loại, đến năm 2013 số lượng này được nhân lên khá lớn ở mức 80.000 cây.

Ông Lê Văn Huệ ngụ xã Tân Khánh Đông cho hay: “Tôi đã bắt đầu trồng thử nghiệm ở mùa vụ năm ngoái và nhận thấy có những đặc điểm ưu việt hơn so với cách sản xuất truyền thống nên mạnh dạn trồng cho dịp Tết này trên 1.000 giỏ cúc mâm xôi cấy mô. Thuận lợi trong việc sử dụng cây cấy mô là cây phát triển nhanh, giảm chi phí đầu vào, phân bón, thuốc trừ sâu, cây có khả năng kháng bệnh cao. Khi xuất ra thị trường, sản phẩm đẹp được người tiêu dùng ưa chuộng...”.

Điều mà người dân chưa tiếp nhận sản phẩm cấy mô do giá đắt hơn so với phương thức giâm cành truyền thống. Cây giống cấy mô dao động từ 2.000 đồng/cây, trong khi giá cây được giâm khoảng 500 đồng/cây. Tuy nhiên để người nông dân tiếp cận với những điểm mới, Trại giống nông nghiệp cho tiến hành lấy cây cấy mô trồng, sau đó lấy chồi F1 của cây để giâm nhằm hạ giá thành nhưng chất lượng sản phẩm vẫn đạt yêu cầu.

Ông Thành chia sẻ: “Hiện nay, phương pháp cấy mô được xem là phương pháp hiệu quả đối với sản xuất, góp phần đảm bảo cho làng hoa kiểng phát triển bởi chất lượng tốt, có thể cạnh tranh trên nền kinh tế thị trường”.

Theo thống kê, đến nay diện tích và giá trị hoa kiểng không ngừng phát triển, đạt 355ha, gần 2.000 hộ sản xuất với 2.000 chủng loại, giá trị sản xuất đạt 125 tỷ đồng/năm. Để phát triển hoa kiểng, tỉnh đưa ra những định hướng từng bước xây dựng hệ thống cung ứng vật tư đầu vào cho nhà vườn (giống, đất và giá thể sạch, thuốc kích thích ra hoa...). Song song đó, tiến tới phát triển làng hoa theo hướng hiện đại, củng cố lại các hợp tác xã, liên kết nhà vườn để sản xuất theo định hướng thị trường, qui hoạch vùng sản xuất nhằm định lượng hoa trong những ngày lễ, Tết, tránh tính trạng dội chợ.

Xúc tiến thương mại là khâu cần thiết, tỉnh tiến hành qui hoạch khu vực chợ hoa, phố hoa và chợ phiên để nhà vườn có thể mang sản phẩm ra bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Theo đó, xây dựng đội ngũ có thẩm mỹ chuyên môn đối với ngành hoa kiểng để tư vấn chăm sóc, định hướng thị hiếu khách hàng. Trên tinh thần đó, tiến đến xây dựng trung tâm ứng dụng công nghệ cao, cải tiến chuỗi giá trị tiêu thụ hoa kiểng kết hợp với du lịch.

Trong cuộc Hội thảo phân bón và trồng trọt ứng dụng công nghệ cao Hà Lan tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trên tinh thần có sự trao đổi chặt chẽ, hợp tác giữa 2 bên, tỉnh ưu tiên hợp tác về hoa kiểng, xây dựng chuỗi sản phẩm, giúp nông sản của địa phương tiếp cận với thị trường tiềm năng nhiều hơn.

Hướng tới sự hợp tác đó, tỉnh định hướng sẽ hợp tác với Hà Lan về giống, bước đầu nhập giống cắt cành mới phù hợp thị trường, đặc điểm sinh học phù hợp, tiến tới sản xuất hoa ở tỉnh, chuyển giao công nghệ sản xuất hạt giống hoa lại F1.

Theo đó, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản là mục tiêu hướng tới trong sự hợp tác, đặc biệt là kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch. Theo các nhà chuyên môn, hiện nay nếu chuyển sang phương thức cắt cành sẽ rất hạn chế khi chưa có nhà sơ chế bảo quản. Ngoài ra, tỉnh còn tiến tới sự hợp tác về hệ thống tưới, nhất là tưới kết hợp giữa phân thuốc; trồng hoa gia công cho nước ngoài...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn