Huyện Lấp Vò
Phát triển bền vững các làng nghề, làng nghề truyền thống
Cập nhật ngày: 22/11/2023 12:07:21
ĐTO - Thời gian qua, huyện Lấp Vò triển khai đồng bộ nhiều chương trình, giải pháp duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân khu vực nông thôn. Đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh quê hương Lấp Vò.
Làng nghề dệt chiếu Định Yên, huyện Lấp Vò được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Theo UBND huyện Lấp Vò, đến nay, trên địa bàn huyện có 4 nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, nghề dệt chiếu xã Định An, Định Yên được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các làng nghề được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh gồm: Làng nghề chổi lông gà (xã Bình Thành); Làng nghề làm thớt gỗ (xã Định An); Làng nghề đan đát (xã Vĩnh Thạnh).
Để nâng cao hiệu quả hoạt động các làng nghề, làng nghề truyền thống, địa phương tập trung các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh; liên kết tiêu thụ, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm đặc trưng của huyện. Từ đầu năm đến nay, huyện tham gia 10 lượt xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, lãnh đạo triển khai, quán triệt kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên về phát triển du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống; phối hợp tổ chức tốt các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo, tọa đàm và các chuyến học tập kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về du lịch cho đội ngũ làm du lịch.
Là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch. Trong đó, tổ chức khai thác, phát huy có hiệu quả các hoạt động tại Điểm Du lịch cộng đồng Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên và thực cảnh tái hiện “Chợ Ma” Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp. Đến nay, sự kiện thu hút 20.000 lượt khách tham quan, doanh thu ước đạt trên 500 triệu đồng.
Bên cạnh đó, qua công tác tuyên truyền, vận động, giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức phong phú đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng dân cư, chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Quốc gia của huyện. Huyện cũng tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Văn hóa Phương Nam; các sự kiện, lễ hội tiêu biểu của huyện...
Ngoài ra, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Lấp Vò tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu... Được biết, mới đây, huyện Lấp Vò được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn cử tham gia trưng bày, trình diễn nghề dệt chiếu thủ công truyền thống tại Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 tổ chức tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Kiệt - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lấp Vò, cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống trong hoạt động du lịch; nâng cấp hạ tầng giao thông nội bộ làng nghề và kết nối giao thông giữa làng nghề với các trung tâm đô thị, kết nối tour - tuyến, đưa khách du lịch tham quan làng nghề. Cùng với đó, xây dựng khu trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm, kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm. Huyện cũng xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của “Nghề dệt chiếu”; liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng thời tổ chức các Đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả ở các tỉnh, thành phố trong nước”.
NHẬT NAM