Phát triển giao thông nông thôn - khâu đột phá để Châu Thành hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 09/07/2024 13:44:56

ĐTO - Huyện Châu Thành có hệ thống sông ngòi chằng chịt, giao thông chia cắt do địa hình. Vì vậy, năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Châu Thành xác định giao thông nông thôn phải “đi trước một bước” để vừa giải quyết nhu cầu bức thiết của thực tiễn, vừa tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, tạo điều kiện để bứt phá nhanh trong quá trình xây dựng NTM.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phước Thiện (thứ 2 từ trái sang) khảo sát tiến độ thực hiện nông thôn mới huyện Châu Thành trong năm 2023

Từ định hướng này, Châu Thành đã tập trung, ưu tiên về nguồn lực, chính sách đầu tư, hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng NTM. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện sau 13 năm xây dựng NTM.

Giao thông nông thôn là khâu đột phá

Về quá trình 13 năm xây dựng NTM của địa phương, ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho rằng: “Xuất phát từ đặc điểm địa hình, địa vật với hệ thống sông ngòi chằng chịt; việc xây dựng giao thông nông thôn gắn liền với nhu cầu thực tế của người dân; đây là một tiêu chí khó trong quá trình xây dựng NTM nên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững (gọi tắt Ban Chỉ đạo) quyết tâm thực hiện tiêu chí này đi trước một bước”.

Theo ông Dũng, giao thông là tiêu chí khó, tốn nhiều kinh phí nhưng nguồn lực địa phương còn rất hạn chế. Chính vì vậy, trong triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện đã làm việc với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện về tổ chức tuyên truyền thông qua các chi, tổ hội ở ấp về ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM đến người dân, lợi ích của việc thực hiện chương trình, nhằm huy động sức dân cùng tham gia xây dựng NTM...

Từ công tác tuyên truyền, vận động, cùng với sự đổi mới, sáng tạo trong triển khai thực hiện, huyện Châu Thành đã khơi dậy được tính tự giác, sự chung tay, góp sức của Nhân dân trong xây dựng NTM rất cao. Cụ thể, sau 13 năm xây dựng NTM (từ năm 2011 - 2023), tổng nguồn vốn được huy động để xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt hơn 5.113 tỷ đồng. Trong đó, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là gần 442,8 tỷ đồng, chiếm 8,66% tổng nguồn vốn xây dựng NTM trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai, người dân ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành có đóng góp rất lớn cho chương trình xây dựng cầu đường nông thôn của huyện Châu Thành 13 năm qua, chia sẻ: “Ở địa phương, bà con chúng tôi ai cũng mong quê hương mình ngày càng thêm đổi mới nên khi có chủ trương xây dựng NTM, tôi đã chủ động đóng góp và vận động mạnh thường quân cùng chung tay xây dựng cầu, đường cho quê hương. Bởi tôi nghĩ rằng xây dựng cầu, đường thì phải có tiền, nhưng ngân sách nhà nước cũng hạn chế, trong khi xây dựng NTM là để người dân thụ hưởng. Chính vì vậy, mỗi người dân phải có bổn phận góp sức để xây dựng quê hương mình trong hành trình xây dựng NTM”.


Trồng nhãn theo hướng an toàn là hướng đi được nông dân huyện Châu Thành thực hiện từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới

Động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội

Việc hoàn thiện hạ tầng nông thôn thật sự đã tạo tiền đề kéo theo sự phát triển của hàng loạt các lĩnh vực khác của huyện Châu Thành, nhất là kinh tế nông nghiệp có sự đổi thay rõ rệt. Có gần 20 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Lê Thanh Điền - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) sầu riêng Phú Hựu, chia sẻ: “Hơn 10 năm trước, đường xá ở đây đi lại khó khăn lắm. Nông sản đa phần đều chở bằng xuồng ra kênh lớn mới giao cho thương lái. Việc vận chuyển qua nhiều khâu chi phí sẽ lên cao, lợi nhuận của nông dân rất ít. Thế nhưng, từ khi có chương trình xây dựng NTM, giao thông từng bước phát triển đến từng ngõ ngách của nông thôn, việc đi lại thuận tiện, giao thương dễ dàng, giá trị nông sản cũng tăng lên từ đó”.

Việc giao thương hàng hóa thuận tiện, cộng với những hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp thu nhập của người dân Châu Thành tăng lên rõ rệt. Hiện thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 62,198 triệu đồng/người/năm (tăng 38,698 triệu đồng so với khi bắt đầu thực hiện chương trình NTM - năm 2011); đời sống vật chất được nâng lên. Từ đó, việc vận động người dân tham gia xây dựng NTM cũng dễ dàng hơn. Các chủ trương xây dựng cầu, đường nông thôn hay các mô hình kinh tế mới khi triển khai đến nông dân đều nhận được sự ủng hộ rất lớn.

“Các chủ trương, đường lối, nhất là việc vận động người dân đóng góp mở rộng đường nông thôn được thành viên HTX ủng hộ rất cao. HTX vẫn đang tích cực đồng hành cùng địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, giúp bà con nông dân canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường hướng tới canh tác bền vững. Việc vận động được HTX lồng ghép trong các hoạt động tập huấn kỹ thuật sản xuất, tuyên truyền hướng dẫn cho bà con nhận diện về NTM với các tiêu chí quan trọng, nhằm giúp nông dân tập trung hoàn thành sớm mục tiêu chung”- ông Lê Thanh Điền - Giám đốc HTX sầu riêng Phú Hựu chia sẻ thêm.


Các công trình giao thông ở huyện Châu Thành được xây dựng từ sự đồng lòng, chung sức của chính quyền và Nhân dân

Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí huyện NTM nâng cao

Theo Ban Chỉ đạo huyện, từ năm 2011 đến nay, huyện Châu Thành đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 262 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 524,21km; xây mới 537 cầu giao thông nông thôn, dài 12,058km.

Giao thông nông thôn hoàn chỉnh đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài nông nghiệp đột phá, công nghiệp, thương mại - dịch vụ đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng của huyện chiếm 40,17%, cao nhất trong tổng giá trị sản xuất 3 khu vực kinh tế của huyện. Điều này đã tạo động lực rất lớn để địa phương tiếp tục các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chia sẻ, Châu Thành đã thật sự khoác lên mình một “chiếc áo mới”. Điều dễ nhận thấy nhất đó là bộ mặt nông thôn nhiều đổi mới, thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, tư duy sản xuất của nông dân dần đổi mới... Đây là điều mà 13 năm trước chính quyền và Nhân dân cùng nhau hướng đến và hôm nay đã đạt được. Những thành quả này rất đáng trân trọng, nhưng địa phương xác định NTM là hành trình dài, vẫn còn đặt nhiều mục tiêu cao hơn.

Theo ông Dũng, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông chỉ là đạt tiêu chí NTM, để phát triển lâu dài cần phải đầu nâng cấp hệ thống giao thông đảm bảo cho các phương tiện vận tải lớn lưu thông, từ đó mới có điều kiện kết nối giao thương cũng như kêu gọi các nhà đầu tư đến với địa phương. Chính vì vậy, trong khí thế phấn khởi của chính quyền địa phương, người dân từ hiệu quả của chương trình xây dựng NTM hôm nay, Ban Chỉ đạo huyện đặt mục tiêu nâng lên một bước nữa trong thực hiện NTM, đó là phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao trong thời gian tới...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn