Phòng, chống hạn bảo vệ sản xuất trên địa bàn tỉnh

Cập nhật ngày: 10/03/2023 15:15:56

ĐTO - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn, bảo vệ sản xuất năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước ngọt tưới cho hơn 200.800ha diện tích gieo trồng vụ hè thu năm 2023 (lúa 186.900ha; hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày trên 13.900ha); gần 46.800ha cây lâu năm; trên 6.800 ha nuôi trồng thủy sản và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân trong thời gian xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đề ra 2 giải pháp gồm: biện pháp về công trình và phi công trình. Về biện pháp công trình, các công trình tỉnh quản lý sử dụng nguồn vốn hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đầu tư năm 2023, chủ đầu tư khẩn trương thi công nạo vét các công trình đã ghi danh mục và bố trí vốn nhằm cung cấp nước kịp thời cho hệ thống kênh, rạch nội đồng đảm bảo tích trữ đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng, nhất là các vùng quy hoạch cây trồng trọng điểm và vùng gặp khó khăn về nguồn nước.

Các công trình huyện, thành phố quản lý UBND tỉnh đã phân khai kinh phí cho các huyện, thành phố, UBND cấp huyện chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư và khẩn trương nạo vét các kênh, rạch cạn kiệt ở các khu vực có khả năng thiếu nước bơm tưới; tháo dỡ các chướng ngại vật gây cản trở dòng chảy, nhằm đảm bảo đưa đủ nguồn nước tưới tiêu đến đất sản xuất người dân.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ đường nước, người dân tổ chức nạo vét, tu sửa các kênh mương nội đồng; nạo vét các bể hút của các trạm bơm; kiểm tra, sửa chữa, vận hành các cống và trạm bơm điện, chủ động bơm tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và thực hiện Chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó chú trọng đến giải pháp thiếu nước tưới cục bộ ở những nơi, vùng có địa hình cao gặp khó khăn về nguồn nước.

Riêng về giải pháp phi công trình, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo hàng tuần về tình hình thủy văn của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để các huyện, thành phố cập nhật, chủ động lịch thời vụ xuống giống vụ hè thu năm 2023 theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bố trí lịch bơm nước hợp lý để tiết kiệm nước trong thời gian xâm nhập mặn gia tăng.

Bên cạnh đó, rà soát lại các vùng sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đối với các vùng có khó khăn về nguồn nước; các địa phương hướng dẫn người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng một số loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày sử dụng ít nước, chịu hạn phù hợp với điều kiện từng vùng, địa phương; đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả áp dụng cho cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp, tháng 3/2023 nhiệt độ trung bình phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 độ C, xuất hiện một vài đợt nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ 35 - 36 độ C. Riêng từ  tháng 4 đến tháng 5, nhiệt độ ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, nắng nóng trên diện rộng kéo dài trong nửa đầu tháng với nhiệt độ 35 - 36 độ C, mức nhiệt này có khả năng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất trên địa bàn tỉnh.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn