Quy hoạch tỉnh tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển
Cập nhật ngày: 19/02/2024 11:43:16
ĐTO - (Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đồng Tháp)
Phóng viên (PV): Ngày 11/1/ 2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch (QH) tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Xin ông cho biết, khái quát về quá trình xây dựng QH tỉnh?
Ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Ông Trương Hòa Châu: Công tác QH có vị trí, vai trò rất quan trọng, là cơ sở để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo, điều hành và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập và đối ngoại trên địa bàn tỉnh; là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhiều lần khẳng định “Muốn phát triển tốt thì phải có QH tốt, vì QH tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, từ đó mới có nhà đầu tư tốt”.
Xác định công tác lập QH là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để hoạch định các định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, phân bố và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ngay sau khi Luật QH ra đời và có hiệu lực thi hành, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương triển khai thực hiện với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Quá trình lập QH tỉnh Đồng Tháp đã được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND,... UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan của tỉnh chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tỉnh lân cận; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan; thực hiện sát sao từ khâu lập nhiệm vụ QH đến tổ chức lập QH, đảm bảo đúng quy trình, khoa học, phù hợp với thực tiễn, tiềm năng, lợi thế của địa phương, bám sát quan điểm chỉ đạo, chủ trương, định hướng phát triển của cả nước. Tỉnh đã tổ chức làm việc và lấy ý kiến của hơn 20 bộ, ngành Trung ương; tổ chức 3 phiên hội thảo lớn để tham vấn nhiều chủ thể ở nhiều cấp từ các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, đến các địa phương trong vùng và liền kề, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, phát huy trí tuệ toàn dân thông qua các ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư nhằm hoàn thiện QH tỉnh. QH là cơ sở để tỉnh Đồng Tháp tăng tốc và bứt phá, hướng tới trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của vùng ĐBSCL, phát triển thích ứng trong tình hình mới xứng tầm với vị thế, tiềm năng của “thủ phủ Đất Sen hồng”.
PV: QH tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có ý nghĩa, vai trò quan trọng như thế nào trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian tới?
Ông Trương Hòa Châu: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 về phê duyệt QH tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh; là căn cứ pháp lý quan trọng, là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là cơ sở triển khai lập QH và đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, QH sử dụng đất và các kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực một cách tổng thể và toàn diện; thực hiện cải cách thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực xã hội hiệu quả hơn.
Đây là sự kế thừa đầy đủ, sáng tạo các quan điểm, định hướng phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, QH tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, QH là nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, mở ra cánh cửa lớn thu hút đầu tư, nâng cao vị thế địa phương, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp, trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng; trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa vùng với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Công.
PV: Ông cho biết các nội dung trọng tâm, định hướng mới trong QH tỉnh lần này?
Ông Trương Hòa Châu: Để định hướng, sắp xếp không gian phát triển, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển hài hòa, hiệu quả và bền vững tỉnh Đồng Tháp trong thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong nhiệm kỳ này đó là việc triển khai lập QH tỉnh.
Trong quy hoạch tỉnh, TP Cao Lãnh sẽ mở rộng (đô thị loại I) (Ảnh: Hoàng Trọng)
Thực hiện nhiệm vụ lập QH tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 5/8/2020, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tập trung, tích cực tổ chức triển khai xây dựng QH tỉnh theo đúng quan điểm phát triển hài hòa 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số: cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với đó, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hợp tác, hội nhập quốc tế được tăng cường; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, nhận diện các thế mạnh, điểm yếu của từng lĩnh vực, từng địa phương trên địa bàn tỉnh, QH tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm, trong đó:
4 vùng kinh tế - xã hội, gồm: vùng kinh tế - xã hội trung tâm; vùng kinh tế biên giới (vùng phía Bắc); vùng kinh tế ven sông Hậu (vùng phía Tây Nam); vùng phía Đông Bắc.
3 hành lang kinh tế, bao gồm: hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam (bố trí theo tuyến QL30 kết nối QL1, cao tốc Bắc -Nam phía Tây, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ N1) là hành lang phát triển chủ lực của tỉnh; hành lang kinh tế Nam sông Tiền (bố trí theo tuyến QL80, QL80B, đường tỉnh 848 và đường Nam sông Tiền, kết nối với cao tốc Bắc - Nam phía Tây và QL1); hành lang kinh tế Đông Bắc - Tây Nam (bố trí theo tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây).
4 đô thị trung tâm, bao gồm: TP Cao Lãnh mở rộng (đô thị loại I); TP Sa Đéc; TP Hồng Ngự; huyện Tháp Mười (thị xã - vào năm 2030).
Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế, giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.
PV: Tỉnh dự kiến sẽ công bố QH vào thời gian nào? Các cấp, các ngành trong tỉnh sẽ tập trung những việc gì để triển khai thực hiện QH trong thời gian tới?
Ông Trương Hòa Châu: Ngay sau khi Chính phủ ký ban hành Quyết định về phê duyệt QH tỉnh, ngày 17/1/2024, UBND tỉnh đã công bố, công khai đăng tải Quyết định số 39/QĐ-TTg trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, đồng thời giao các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố khẩn trương công khai đăng tải Quyết định số 39/QĐ-TTg trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh dự kiến tổ chức Hội nghị công bố QH tỉnh Đồng Tháp vào ngày 22/2/2024. Hội nghị này nhằm cung cấp những thông tin cơ bản về quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; thu hút sự quan tâm, nâng cao vai trò, nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện QH.
Để tổ chức triển khai thực hiện QH tỉnh đạt hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai kế hoạch cụ thể hóa QH tỉnh; khẩn trương rà soát, phê duyệt, điều chỉnh QH đô thị, QH nông thôn và các QH mang tính kỹ thuật - chuyên ngành nhằm phát huy hiệu quả và đồng bộ trong QH, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Hai là, xây dựng Đề án tổng thể “xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong đó, chú trọng thành lập “Trung tâm đầu mối nông sản và thủy sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười”, “Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số vùng ĐBSCL đặt tại tỉnh Đồng Tháp” như ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.
Ba là, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai minh bạch, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo theo QH được phê duyệt.
Bốn là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt là trong các ngành và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Nam (thực hiện)