Quyết tâm làm ăn thắng lợi trong năm Rồng
Cập nhật ngày: 19/02/2024 05:08:18
ĐTO - Những ngày nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024 đã qua, mọi hoạt động đã khẩn trương trở lại với những định hướng, mục tiêu đề ra. Bỏ qua những khó khăn, phát huy những thành quả của năm qua, nhiều người kỳ vọng đạt những thắng lợi mới trong năm con Rồng này.
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2024
Kỳ vọng năm mới nhiều thuận lợi
Năm qua, thật sự là một năm thắng lợi của nông dân trồng lúa vì giá lúa khá cao, thị trường ổn định. Từ đó, nông dân có thêm động lực, tập trung chăm sóc lúa tốt hơn với nhiều kỳ vọng tiếp tục được mùa, giá tốt trong năm 2024 này. Trên nhiều cánh đồng, từ mùng 1, mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024, nhiều nông dân đã ra thăm đồng, xịt phân, thuốc... cho lúa. Anh Nguyễn Văn Tâm (ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười), canh tác 30 công lúa cho biết, anh thu hoạch vụ lúa đông xuân sớm vào mùng 7 tháng Chạp vừa rồi, đạt năng suất 6,5 tấn/ha, bán lúa tươi với giá 9.800 đồng/kg, trừ chi phí còn lời 3 triệu đồng/công (1.000m2). Anh Tâm bộc bạch: “Năm qua, tôi cũng như nhiều nông dân làm lúa rất phấn khởi vì lúa bán được giá, có lời hơn trước. Dù vui Tết, nhưng từ mùng 1, tôi đã ra đồng thăm lúa, sang mùng 2 là xịt thuốc cỏ... với mong muốn vụ lúa đầu tiên của năm 2024 tiếp tục được trúng mùa trúng giá”.
Nông dân ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười chuẩn bị phun thuốc diệt cỏ bảo vệ lúa vào mùng 2 Tết
Theo nhận định của các chuyên gia, bối cảnh thế giới năm 2024 được dự báo đã qua giai đoạn khó khăn nhất trong hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, vẫn còn “3 ngọn gió nghịch” là lạm phát gia tăng, điều kiện tài chính bất ổn và xung đột quân sự - chính trị. Bối cảnh này sẽ có nhiều tác động đến nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng. Do đó, đòi hỏi mỗi DN nỗ lực, có những chiến lược riêng trong sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng. Khởi đầu năm mới Giáp Thìn, cộng đồng DN tỉnh nhà đề ra nhiều chiến lược và giải pháp để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng.
Ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp) cho biết, những khó khăn của năm 2023, các DN cá tra, trong đó có Trường Giang đều đã thích ứng được và vượt qua. Tuy nhiên, năm 2024, ngành cá tra vẫn còn những thách thức nhất định, trước mắt là tình hình hạn hán dự báo sẽ phức tạp, tác động rất lớn đến nguồn nước nuôi, đòi hỏi DN phải có giải pháp ứng phó để cuối năm đạt được sản lượng xuất khẩu ổn định. Bên cạnh đó, vấn đề chất lượng sản phẩm được thị trường đưa ra ngày càng cao, DN cần lưu ý để có chiến lược phát triển ổn định.
Lãnh đạo Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Vinarice) cho rằng, năm 2024, xuất khẩu gạo có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Tuy nhiên, để tận dụng tốt cơ hội này, lãnh đạo Công ty Vinarice đề xuất các bên liên quan cần xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo hiệu quả hơn, tạo một sân chơi công bằng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển ngành hàng. Chính phủ đang triển khai đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công chuỗi liên kết lúa gạo bền vững thì nông dân, DN đều có lãi. Đồng thời, đây là chiến lược lâu dài để phát triển ổn định ngành hàng lúa gạo.
Ông Hemant Bansal - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj - DN có vốn đầu tư nước ngoài (Khu Công nghiệp Sa Đéc), chia sẻ: “Sau thời gian xây dựng và phát triển tại Đồng Tháp, đơn vị cảm thấy rất phấn khởi vì sự hỗ trợ và gắn bó của các cấp, các ngành thuộc tỉnh. Trước những kỳ vọng lớn của tỉnh, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 (dự kiến đưa vào vận hành vào đầu năm 2025). Riêng trong năm 2024, đơn vị sẽ sử dụng một lượng lớn nguyên liệu đậu nành để phục vụ sản xuất, giảm giá thành và hướng đến tạo sản phẩm bánh dầu đậu nành nội địa. Qua đó, công ty mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu trồng đậu nành để cung ứng cho sản xuất để vừa giảm giá thành sản xuất vừa tăng hiệu quả kinh tế cho những vùng trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả của tỉnh...”.
Anh Lê Hữu Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Song Mai kỳ vọng một năm mới Giáp Thìn 2024 thuận lợi
Tiếp tục nỗ lực, cùng nhau phát triển
Với mô hình khởi nghiệp từ sản phẩm nông sản an toàn của anh Lê Hữu Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Song Mai (thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò) cũng kỳ vọng vào một năm 2024 với nhiều điều thuận lợi. “Sau thời gian vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay, quy trình sản xuất của mô hình đã hoàn chỉnh, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 800 trái dưa lưới/tháng, tạo công ăn, việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng trở lên. Với mục tiêu mang sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng, bước sang năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều dòng sản phẩm nông sản và mở rộng quy mô sản xuất...”- anh Lê Hữu Thuận chia sẻ.
Khi thị trường dần hồi phục, đặc biệt là sản phẩm hạt sen sấy được công nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia năm 2023, giúp Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành) kết nối sâu với thị trường. Với những tín hiệu tích cực đó, năm 2023, doanh thu của đơn vị tăng khoảng 10%, thu nhập của người lao động cao hơn 10 - 15% so với năm 2022. Đáng chú ý là thị trường xuất khẩu được mở rộng, mỗi tháng, công ty cung ứng cho thị trường 60 tấn sản phẩm trái cây sấy, riêng hạt sen sấy là khoảng 10 tấn. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bước sang năm mới 2024, công ty đặt ra mục tiêu: Chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến, lắng nghe nhu cầu của thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài hạt sen sấy đạt OCOP 5 sao, hiện tại, đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ cho mít sấy để đánh giá OCOP 5 sao. Anh Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp, chia sẻ: “Bước sang năm mới, tôi kỳ vọng với sự nỗ lực của đơn vị, đòn bẩy từ các chương trình hỗ trợ và sự đồng hành của chính quyền tỉnh nhà, sẽ giúp DN phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, đưa sản phẩm quê hương tiếp tục chạm chân đến thị trường rộng lớn hơn”.
Vượt qua những khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới, năm 2023, doanh thu của Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt, huyện Tháp Mười đạt mốc 86 tỷ đồng, mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ năm 2022. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Sen Đại Việt, cho biết: “Để thích ứng với tình hình mới, bên cạnh tập trung xuất khẩu các sản phẩm hạt sen, củ sen tươi cho các đối tác truyền thống năm 2024, công ty tập trung đầu tư nhiều hơn cho khâu chế biến sâu; tiếp tục tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm từ hạt sen, củ sen sang một số thị trường mới. Chúng tôi hi vọng với những định hướng kinh doanh mới sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu tăng trưởng 40% so với cùng kỳ năm 2023”.
Về một số kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2023 và định hướng phát triển của DN trong năm 2024, chị Lê Thị Mỹ Ngọc - Phó Giám đốc Công ty TNHH Tú Trinh Food (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự) cho biết: “Nhờ đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử nên doanh thu trong năm 2023 của chúng tôi tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2024, ngoài việc đẩy mạnh tiếp cận các đối tác xuất khẩu, công ty ưu tiên nhiều cho các kênh phân phối ở thị trường nội địa. Bởi hiện tại, chúng tôi nhận thấy dư địa thị trường dành cho các sản phẩm bún, phở tươi sấy dẻo ở nội địa còn rất tiềm năng. Chúng tôi hi vọng với những định hướng mới sẽ giúp cho công ty có sự bứt phá mạnh mẽ hơn”.
Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo tiếp tục thuận lợi
Ghi nhận, chia sẻ với những khó khăn của DN, tại buổi họp mặt DN đầu năm 2024 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, thời gian tới, trong lãnh đạo, điều hành, tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ kịp thời cho các DN, nhất là các DN mới thành lập. Phương châm “Đồng hành và kết nối” không chỉ dừng lại giữa chính quyền và DN mà còn lan tỏa giữa các doanh nhân với doanh nghiệp trong tỉnh, giữa DN đi trước và DN đi sau, giữa doanh nhân trong tỉnh và doanh nhân ngoài tỉnh... Tất cả đều nhằm tạo nên một sức mạnh và động lực to lớn để chúng ta cùng vững tin vượt qua những khó khăn, thách thức và cùng nhau phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thông tin, đầu năm 2024, Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp sử dụng để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng được xem là cơ hội để các DN, cộng đồng và người dân đầu tư nghiên cứu, xây dựng định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhóm PV kinh tế