Tiếp lửa cho làng nghề làm thớt gỗ Định An
Cập nhật ngày: 13/02/2024 05:11:21
ĐTO - Huyện Lấp Vò không chỉ nổi tiếng với Làng nghề dệt chiếu truyền thống ở 2 xã Định Yên, Định An, nơi đây còn được biết đến bởi Làng nghề làm thớt gỗ tiếng tăm. Đó là Làng nghề làm thớt gỗ ở xã Định An và hiện nay, người dân làng nghề đã đầu tư máy móc, với nhiều sáng tạo trong nghề, góp phần cải thiện nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình...
Người dân làng nghề cắt từng miếng gỗ từ thân cây bằng máy cưa chuyên dụng
NGUỒN GỐC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ
Theo những người có thâm niên trong nghề kể lại, hơn 70 năm trước, người dân ở đây thường chuyên chở, mua bán hàng hóa, nông sản bằng ghe đến các tỉnh xa và khi trở về thường mua cây mù u để làm cột nhà... Phần gỗ mù u còn thừa lại sau khi làm nhà, người dân cưa ra làm thớt để sử dụng và bán. Gỗ mù u mịn, thẳng và tương đối chắc, đặc biệt hương gỗ thơm, có độ bền cao và ít bị mối mọt, phù hợp để làm thớt vì khi chặt, xắt hay băm... thớt gỗ mù u không bị xước và lưu lại vết đen như các loại thớt khác. Lâu dần tiếng đồn vang xa, ai ai cũng đều biết nơi sản xuất thớt tại vùng Định An này và từ đó hình thành nên làng nghề truyền thống.
Xã Định An hiện có 4 ấp nhưng làng nghề làm thớt gỗ chỉ tập trung tại ấp Định Hòa với hơn 20 hộ làm nghề dọc theo Quốc lộ 54. Ông Trần Văn Thông (73 tuổi) là một trong những người kế tục nghề gia truyền này cho biết, ba của ông trước đây theo nghề làm thớt, nay ông và các con tiếp nối nghề cha. Sản phẩm thớt do gia đình ông làm ra chủ yếu phục vụ thị trường đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh. Ông Thông luôn mong muốn các con mình sẽ tiếp tục nối nghiệp và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Theo những người có thâm niên làm thớt gỗ Định An, người sáng lập ra làng nghề này là ông Nguyễn Hữu Lời (Út Lời). Ban đầu, từ những khúc gỗ thừa sau khi làm nhà hoặc mua lại của các xưởng mộc trong xã, ông mang về để tận dụng làm thớt. Sẵn nguồn nguyên liệu và nắm bắt được nhu cầu của bà con trong vùng, ông Út Lời làm thớt để bán, rồi truyền nghề lại cho con cháu. Cháu nội của ông Út Lời cũng đang theo nghề ông bà để lại, đó là anh Nguyễn Quốc Việt - chủ Cơ sở làm thớt gỗ Ba Quang. Anh Việt chia sẻ: “Ông nội của tôi là một trong những người đầu tiên theo nghề làm thớt gỗ, sau đó, ba tôi tiếp nối ông tôi duy trì sản xuất thớt gỗ và phát triển thêm một số sản phẩm khác từ gỗ, giờ truyền nghề lại cho tôi. Hiện Cơ sở thớt gỗ Ba Quang của gia đình tôi sản xuất thớt gỗ, ghế ngồi, bàn nạo dừa, giá đỡ điện thoại... Để làm ra một chiếc thớt tốt, đầu tiên phải chọn loại cây già, cắt gọt sao cho độ dày, độ tròn, độ rộng của thớt phải cân đối. Kỹ thuật này yêu cầu người thợ phải có kinh nghiệm làm nghề lâu năm. Cuối cùng là đem phơi nắng để thớt không bị ẩm mốc, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh. Trước đây, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, sau này nhờ có máy móc nên quy trình sản xuất nhanh hơn như cắt khúc bằng máy cưa, lộng tròn bằng cưa lộng. Và từ đó, sản lượng cũng tăng gấp nhiều lần”.
Nghề làm thớt gỗ diễn ra quanh năm, là nghề đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nơi đây. Mỗi tháng, 1 hộ sản xuất có thể cung ứng ra thị trường khoảng 3.000 - 4.000 sản phẩm thớt và các vật dụng làm từ gỗ. Cao điểm vào tháng 11, tháng 12 âm lịch, số lượng sản phẩm làm ra tăng gấp đôi ngày thường nên mỗi hộ phải thuê thêm từ 2 - 4 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Những tấm thớt gỗ tròn đều sau khi được gia công sẽ đem phơi nắng để đảm bảo chất lượng
TIẾP LỬA CHO LÀNG NGHỀ VƯƠN XA
Hiện trên địa bàn xã Định An còn khoảng 20 hộ làm thớt gỗ lớn, nhỏ sản xuất quanh năm. Nhờ được đầu tư máy móc hiện đại nên so với trước đây, Làng nghề thớt Định An có sự phát triển vượt bậc, công đoạn làm thớt ngày càng nhanh nhờ có máy cưa, máy lộng, máy chà hỗ trợ nên rút ngắn được thời gian sản xuất. Tuy nhiên, điều trăn trở của những hộ dân làng nghề là vấn đề nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn gỗ mua từ các tỉnh xa; điều kiện mặt bằng sản xuất còn nhỏ hẹp, thị trường chủ yếu là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chưa có điều kiện xuất khẩu; khâu sấy thớt chủ yếu là phơi nắng, còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết; người dân chưa có điều kiện đầu tư lò sấy để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Phong - Chủ tịch UBND xã Định An cho biết, để hỗ trợ cho làng nghề hoạt động và phát triển, thời gian qua, xã đã thống nhất chủ trương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ cùng chung ngành nghề sản xuất các sản phẩm từ gỗ (làm thớt và giá võng) thành lập, ra mắt “Mộc gia Hội quán” vào tháng 10/2022. Hội quán có 35 thành viên tham gia để cùng chia sẻ kinh nghiệm, với mục đích chung nhằm phát triển ngành nghề, tạo nguồn thu nhập ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài sản xuất thớt, người dân còn làm nhiều sản phẩm khác như: bàn nạo dừa, ghế ngồi, giá đỡ điện thoại... phục vụ thị trường
Cùng với đó, hỗ trợ các thành viên được vay vốn khởi nghiệp, kinh doanh từ nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Năm 2023, có 9 hộ được vay với tổng số tiền 630 triệu đồng. Các hộ sử dụng nguồn vốn vay để mua trang thiết bị, máy móc phát triển ngành nghề ngày một chuyên nghiệp hơn.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất để làng nghề phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, chất lượng, có điều kiện liên kết tiêu thụ sản phẩm rộng rãi hơn như trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị lớn do huyện, tỉnh tổ chức; tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên tham gia học tập kinh nghiệm ở Bình Dương, Đồng Nai... góp phần phát triển quy mô sản xuất, thu hút lao động và nâng chất cả về số lượng và chất lượng, tạo sự phát triển lâu dài cho làng nghề.
Theo chị Phạm Thị Thúy Muội - Phó Chủ nhiệm “Mộc gia Hội quán”, đây là nghề mang lại thu nhập chính của người dân ấp Định Hòa, xã Định An. Ước mơ của những hộ dân làng nghề là tiếp tục được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ giúp người dân có điều kiện đầu tư thêm lò sấy để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Qua đó, mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân.
Tết Nguyên đán năm 2024 đã đến gần, người dân Làng nghề thớt Định An tất bật sản xuất để cung ứng thị trường dịp Tết với hy vọng một năm mới làm ăn sung túc và trọn vẹn niềm vui.
Sông Ngân