Tái cơ cấu ngành công nghiệp và liên kết công nghiệp - nông nghiệp

Cập nhật ngày: 09/01/2017 06:55:27

ĐTO - Sau Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngày 18/10/2016, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mặc dù Đồng Tháp có xuất phát điểm là sản xuất nông nghiệp, nhưng thời gian qua ngành công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển đáng khích lệ, với hơn 21 ngàn doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho 90 ngàn lao động trực tiếp, đóng góp gần 25% thu nhập nội tỉnh; nhiều sản phẩm công nghiệp của tỉnh không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có mặt trên 130 nước, vùng, miền trên thế giới, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh cũng như thu hút doanh nghiệp, du khách đến Đồng Tháp ngày càng nhiều hơn.

Đặc biệt, ngành công nghiệp tỉnh đã thúc đẩy, tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo và thủy sản (cá tra).

Tuy nhiên, ngành công nghiệp của tỉnh chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của địa phương; sản phẩm xuất khẩu của tỉnh nhiều về số lượng, nhưng giá trị còn thấp do phần lớn là chế biến thô, chưa có thương hiệu chính thức, hoặc gia công cho doanh nghiệp nước ngoài...

Để khắc phục hạn chế và đưa ngành công nghiệp phát triển, Đề án đề ra mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng, nâng cao hiệu quả với trọng tâm là chế biến nông sản cùng với những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như phát huy thế mạnh của những sản phẩm truyền thống, có hàm lượng công nghệ cao, các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động địa phương; chính quyền tạo môi trường đầu tư thông thoáng qua cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, vận dụng các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh bàn giao mặt bằng, bảo đảm an ninh trật tự...

Đề án không chỉ tạo tiền đề và giải pháp để các cơ sở công nghiệp phát huy tiềm lực, tranh thủ tối đa lợi thế, khả năng của mình để phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng mà còn là cơ hội để ngành nông nghiệp, nông dân không còn rơi vào cảnh được mùa rớt giá, để hiệu quả sản xuất tăng lên do nông sản được tiêu thụ thông qua chế biến tại địa phương.

Để Đề án được triển khai, thực hiện đạt hiệu quả, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, thì sự chủ động của cơ sở công nghiệp mang yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, vai trò của nông dân không thể thiếu trong việc cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho công nghiệp chế biến với những ngành hàng chủ lực như lúa gạo, trái cây (xoài, nhãn), thủy sản (cá tra), gia cầm (vịt)...

Tuy nhiên, cần phải có sự phối hợp, liên kết chặc chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân. Doanh nghiệp rất khó khi liên kết với từng nông dân để thu mua nông sản hoặc nắm bắt nhu cầu của nông dân; thông tin nhu cầu, giới thiệu sản phẩm của cơ sở mình. Do đó, sự tham gia của hợp tác xã, tổ hợp tác, của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể với vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân là rất cần thiết.

Liên kết trong sản xuất công nghiệp - nông nghiệp không chỉ thể hiện sinh động về liên minh công nông trong giai đoạn hiện nay mà còn đem lại lợi ích cho cả hai bên, tạo thành sức mạnh để cạnh tranh không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường thế giới.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn