TP Sa Đéc triển khai nhiều giải pháp phát triển ngành công thương
Cập nhật ngày: 28/05/2022 06:20:32
ĐTO - UBND TP Sa Đéc vừa xây dựng kế hoạch phát triển ngành công thương năm 2022, nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong việc triển khai các cơ chế chính sách đưa lĩnh vực công thương phát triển nhanh, mạnh và bền vững, phù hợp với định hướng của thành phố và xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
TP Sa Đéc tập trung triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ theo Đề án khuyến công địa phương và Đề án khuyến công Quốc gia
Để đạt được những mục tiêu đề ra, UBND TP Sa Đéc triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Trong đó, tiếp tục thực hiện các chương trình hỗ trợ khuyến công của tỉnh và chương trình hỗ trợ khuyến công của thành phố theo Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố năm 2022.
Về phát triển nhãn hiệu, bao bì cho hàng hóa, sản phẩm, UBND Sa Đéc sẽ chủ động phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp tổ chức ít nhất 1 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, phát triển nhãn hiệu, bao bì; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Made in Dong Thap” cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ có nguồn gốc từ TP Sa Đéc đáp ứng các điều kiện theo quy định, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và định hướng xuất khẩu; triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị, hội thảo kết nối cung cầu, diễn đàn thương mại trong nước và quốc tế...
Cùng với đó, thành phố phổ biến và hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất bột được thụ hưởng chính sách trong thực hiện Đề án phát triển Làng nghề bột Sa Đéc; triển khai nhiều giải pháp quản lý và phát triển khu, cụm công nghiệp; tổ chức theo dõi giá cả thị trường, kiểm tra việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thị trường, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh phát triển thuận lợi, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng...
TP Sa Đéc cũng tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống thương mại đô thị; đa dạng các phương thức kinh doanh thương mại, đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử, kinh doanh chuỗi liên kết và phát triển kênh phân phối hàng hóa chuyên nghiệp. Đồng thời phát triển các loại hình thương mại nông thôn theo hướng đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông thôn gắn với việc tổ chức tốt mạng lưới thu mua hàng nông sản, phát triển đa dạng các hình thức bán buôn, dịch vụ logistics theo hướng phát triển các chuỗi cung ứng trong và ngoài thành phố; xây dựng chuỗi liên kết kinh tế giữa hộ nông dân với cơ sở chế biến hoặc giữa cơ sở sản xuất, chế biến với doanh nghiệp thương mại, liên kết doanh nghiệp thương mại với hộ nông dân và cơ sở chế biến...
Trang Huỳnh