Đồng Tháp

Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững

Cập nhật ngày: 26/01/2023 06:29:32

ĐTO - Phong trào xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp diễn ra mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống người dân được cải thiện, góp phần đưa phong trào xây dựng nông thôn mới trong tỉnh đi vào chiều sâu, hiệu quả bền vững.


Anh Lê Thành Nhân - Chủ nhiệm Nhân Tân Hội quán giới thiệu với Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ 2 từ trái sang) về mô hình vườn nho kết hợp làm du lịch

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của giai đoạn trước, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và qua 2 năm của giai đoạn xây dựng NTM nâng cao 2021-2025, Đồng Tháp đã có 103 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt gần 90%), tăng 6 xã so cuối năm 2021, 12 xã còn lại đạt từ 12 - 16 tiêu chí; có 10 xã đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021, 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM (3 TP: Sa Đéc, Cao Lãnh và Hồng Ngự), 2 huyện đạt chuẩn NTM (Tháp Mười, Cao Lãnh). Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM và 16 xã đạt NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu; có thêm 3 huyện (Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành) đạt chuẩn huyện NTM.

Từ những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; duy trì tốt và nâng dần mức độ hoàn thiện các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, cấp nước sạch nông thôn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; chăm lo tốt công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng và an ninh trật tự xã hội. Các vấn đề về văn hóa, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được đảm bảo, đạt chỉ tiêu đề ra.

Anh Lê Thành Nhân - Chủ nhiệm Nhân Tân Hội quán, chia sẻ: “Người dân chung tay xây dựng NTM được hưởng lợi rất nhiều như được Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng từ đường, điện, trạm y tế, trường học đạt tiêu chuẩn. Người dân có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, để rác đúng nơi quy định, nhất là rác thải vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, giữ sạch sẽ từ trong nhà ra ngõ nên cảnh quan môi trường sạch đẹp, trong lành. Đặc biệt, sự ra đời của các Hội quán trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội và môi trường lành mạnh để tập hợp người dân, cùng chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận kiến thức mới trong sản xuất, cùng mua chung, bán chung để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và xã hội”...

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm mang lại luồng gió mới, nâng tầm giá trị nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tỉnh đã mạnh dạn tổ chức thực hiện cơ chế Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động trong xây dựng các công trình nông thôn gắn với nhu cầu sản xuất, dân sinh từ ý nguyện của người dân theo phương châm “Dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM. Nhiều mô hình liên kết hợp tác được hình thành, mô hình giảm giá thành sản xuất, mô hình canh tác lúa lý tưởng ngày càng phát triển mạnh, mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất hữu cơ đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân.

Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn đổi mới tư duy nhận thức, phương thức tiếp cận trong quản lý điều hành, mạnh dạn thực hiện các cơ chế chính sách mới, mô hình hay trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển địa phương. Đến xã NTM nâng cao Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, cảm nhận đời sống của người dân nơi đây từng bước được nâng lên, hộ giàu khá tăng nhanh, hộ nghèo giảm dần, kết cấu hạ tầng cầu, đường, điện ánh sáng, hệ thống nước sạch, y tế, trường học được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân trong việc đi lại, học tập, buôn bán...

Ông Nguyễn Hữu Hưng - Bí thư xã Tân Thuận Tây, cho biết: “Đảng ủy đã tập trung triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị các nhiệm vụ, giải pháp và thực hiện tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong Nhân dân. Qua đó, phần lớn người dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình nên đã tích cực tham gia, đóng góp kinh phí, hiến đất, công sức và chủ động thực hiện đạt được những tiêu chí, chỉ tiêu không cần vốn của Nhà nước. Đồng thời, người dân tích cực tham gia xây dựng nhiều mô hình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Hội quán... đời sống của người dân địa phương ngày càng phát triển. Xã được công nhận danh hiệu Xã văn hóa NTM 5 năm liên tục”.

Đặc biệt, xã đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Tháp triển khai thực hiện đề tài mô hình “Làng thông minh” tại khu vực Thuận Tân Hội quán và Tâm Quê Hội quán với 640 hộ (gần 2.600 nhân khẩu), đã thực hiện được 9/12 nội dung theo lộ trình và đang tiếp tục phối hợp thực hiện các nội dung còn lại, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.


Những tuyến đường ở các xã nông thôn mới 
được đầu tư nâng cấp khang trang, cảnh quan xanh - sạch - đẹp

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN XÂY DỰNG NTM NÂNG CAO

Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, UBND tỉnh đã xác định một số giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giữ vững và hoàn thành các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm...

Quan tâm công tác cải tạo môi trường - cảnh quan nông thôn, phát triển hệ thống cây xanh khu vực nông thôn gắn với Đề án 1 tỷ cây xanh, các mô hình kiểu mẫu và các mô hình thiết thực phù hợp với địa phương; nâng cao công tác duy trì và quản lý môi trường - cảnh quan tại các địa phương; thực hiện tốt các chính sách xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nông dân; tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng và đóng góp vào tăng trưởng.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả mô hình thí điểm Làng thông minh làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn tỉnh; tiếp tục nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát cộng đồng, đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự xã, để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững được đồng bộ, toàn diện thông qua bản đồ số và cơ sở dữ liệu cập nhật thường xuyên kết quả tới cấp cơ sở, công trình hạ tầng, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, phát huy tối đa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và vai trò tự quản, giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng NTM; phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động của các tổ chức quản lý cộng đồng như: hội quán, Ban phát triển ấp, Tổ nhân dân tự quản đối với mọi mặt kinh tế, đời sống tại nông thôn.

Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 90% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có ít nhất 30% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 10% xã NTM nâng cao đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM; chọn huyện Tháp Mười làm điểm, phấn đấu đến năm 2025 Tháp Mười đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020 (tương đương 75,2 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1%/năm. Đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%.

THANH TRÚC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn