Nâng cao hiệu quả sản xuất từ phát triển nông nghiệp hữu cơ
Cập nhật ngày: 03/08/2023 13:33:58
ĐTO - Thời gian qua, Đồng Tháp chú trọng thực hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Điều này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cùng một diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ công nghệ Xuân Minh (Ấp 1, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh)
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể như: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại huyện Thanh Bình; mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi cá và thả vịt; mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ tại huyện Cao Lãnh; mô hình nhà lưới trồng rau theo hướng hữu cơ phục vụ thực phẩm cho du lịch tại huyện Tháp Mười...
Trong giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh phấn đấu thực hiện 9 mô hình liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, thủy sản chủ lực và tiềm năng; tăng diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1% (khoảng 1.294ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực: lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, hoa kiểng. Đến năm 2025, tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 10%; tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên trên 20% trong tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật áp dụng trên đồng ruộng.
Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1,5% (khoảng 3.298ha) tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực. Phấn đấu giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ...
Theo Sở NN&PTNT, để thực hiện đúng định hướng trên, tỉnh chú trọng đến việc quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung. Trong đó, tăng cường quản lý đầu vào của sản xuất hữu cơ từ giống cây trồng, giống thuỷ sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thủy sản, chất bảo quản, chất phụ gia... Thực hiện việc giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm hữu cơ và chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo quy định, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ...
Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ; tạo điều kiện để các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tư trong lĩnh vực này; tăng cường đào tạo, tập huấn chuyên sâu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ làm nòng cốt, bố trí làm việc tại tỉnh, huyện phù hợp điều kiện thực tế.
Ngoài ra, tập trung xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật theo hướng ứng dụng công nghệ kết hợp với phát huy kiến thức bản địa, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; nghiên cứu phát triển và ứng dụng các chế phẩm sinh học, phân hữu cơ sinh học...
TRANG HUỲNH