Huyện Tháp Mười

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi ngành hàng chủ lực

Cập nhật ngày: 13/04/2023 09:39:55

ĐTO - Xác định phát triển nông nghiệp là thế mạnh, những năm qua, huyện Tháp Mười tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị nông sản, gia tăng thu nhập cho người nông dân.


Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (thứ hai từ phải sang) 
thăm mô hình cánh đồng liên kết giống lúa Đài thơm 8 tại huyện Tháp Mười

Phát triển các ngành hàng tiềm năng

Theo UBND huyện Tháp Mười, để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, địa phương phát triển các ngành hàng có tiềm năng theo hướng sản xuất quy mô lớn, tập trung, theo chuỗi giá trị và từng bước tiến hành tiêu chuẩn hóa hệ thống nuôi trồng gắn với mã số vùng trồng, vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương đương...

Từ năm 2021-2023, huyện Tháp Mười có tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm duy trì trên 100.000ha. Trong đó, diện tích liên kết trong sản xuất lúa mỗi vụ khoảng 25 ngàn ha, đạt hơn 20% tổng diện tích xuống giống; có 21 mã vùng trồng lúa được cấp mã số với diện tích 2.757,6ha. Ông Ngô Thanh Bình ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (thành viên tham gia liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam) cho biết: “Trước đây, do sản xuất nhỏ lẻ nên nông dân gặp nhiều khó khăn từ đầu vào đến đầu ra. Song, khoảng 3 năm qua, tôi cùng các nông dân khác trong xã liên kết với Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam để sản xuất giống lúa Đài Thơm 8 (thế hệ mới), được công ty hỗ trợ về giống và kỹ thuật sản xuất theo hướng sạch. Từ đó, mỗi vụ, ước tính năng suất bình quân đạt trên 7 tấn/ha, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật so với những giống khác, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Toàn huyện có tổng diện tích trồng sen cuối năm 2022 là 367,4ha/1.000ha, chiếm 36,7% theo kế hoạch đến năm 2025. Trong đó, liên kết trồng và tiêu thụ đạt 38ha, chiếm 10,3% diện tích xuống giống; có 1 mã vùng trồng sen được cấp mã số với 38ha. Huyện phát triển sản xuất sen vùng quy hoạch tại Khu du lịch Đồng Sen Gò Tháp đồng bộ, hiệu quả, khuyến khích nông dân tham gia thực hiện mô hình lúa - sen luân canh. Ngoài ra, đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Sen Tháp Mười trong nước và nước ngoài.

Đối với ngành hàng ếch, toàn huyện có tổng lượng ếch thả nuôi đạt cuối năm 2022 là 58.643.760/50.000.000 con, chiếm 117,3%, sản lượng đạt 6.000 tấn theo kế hoạch đến năm 2025. Thời gian qua, các ngành chuyên môn huyện thường xuyên tư vấn, hướng dẫn những tiến bộ, kỹ thuật mới về nuôi ếch, giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm cho người nông dân. Đồng thời kết nối và giới thiệu cho các cơ sở sản xuất giống đàn ếch bố mẹ chất lượng tốt, năng suất cao, sức đề kháng mạnh để nâng cao tỷ lệ sống của đàn ếch thịt.


Thời gian qua, mô hình cánh đồng liên kết giống lúa Đài thơm 8 tại huyện Tháp Mười  góp phần mang lại hiệu quả trong tái cơ cấu nông nghiệp

Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác

Thời gian qua, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Tháp Mười cũng quan tâm phát triển kinh tế hợp tác theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, liên kết. Hiện, toàn huyện có 19 hợp tác xã nông nghiệp và 129 tổ hợp tác đang hoạt động ổn định, từng bước củng cố và mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp, phát triển đa ngành nghề, đáp ứng ngày càng nhiều nhu cầu của thành viên. Đa số hợp tác xã, tổ hợp tác thể hiện được vai trò quan trọng trong cung cấp vật tư đầu vào, liên kết tiêu thụ sản phẩm và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên; tiếp thu, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn. Điều này góp phần tích cực vào phát triển kinh tế hộ nông dân và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện Tháp Mười chú trọng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn nâng cao chất lượng, mẫu mã, đa dạng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp để tham gia thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với các ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp. Hiện, sản phẩm OCOP của huyện được công nhận đạt 3-4 sao là 26 sản phẩm (gồm 19 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao), đạt 65% chỉ tiêu kế hoạch...

Ông Đinh Công Phủ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, cho biết: “Qua triển khai, tuyên truyền thực hiện, nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về tái cơ cấu nông nghiệp nâng lên rõ rệt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành luôn sâu sát; trong thực hiện nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Từ đó, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Người dân dần thay đổi tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất hàng hóa, có liên kết trong tiêu thụ, có tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm gắn với chuỗi giá trị bền vững và tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đồng thời thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Thời gian tới, huyện sẽ đề xuất tỉnh tiếp tục hỗ trợ huyện thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương. Đồng thời hỗ trợ huyện trong công tác mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy thu mua, sơ, chế biến theo các nhóm ngành hàng tái cơ cấu của huyện, nhất là các ngành hàng như: vịt, cá sặc rằn, ếch, mít để thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu ổn định và bền vững...”.

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn