Đề phòng rắn cắn trong mùa lũ
Cập nhật ngày: 28/10/2013 04:48:34
Từ đầu năm 2013 đến nay, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận 8 trường hợp bị rắn cắn (2/8 ca được người nhà bệnh nhân xin chuyển lên bệnh viện tuyến trên điều trị), trong đó có nhiều trường hợp bị rắn cắn vào đầu mùa lũ. Rất may cả 8 trường hợp bị rắn cắn này không nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Trần Tấn Hiếu khuyến cáo không nên chủ quan
với những trường hợp bị rắn cắn
Vào mùa lũ, do nước ngập nên rắn thường bò vào nhà dân, các đống cây, lu, khạp quanh nhà hoặc lên các bờ ruộng cao để trú ẩn, nếu vô tình chạm tay hoặc giẫm chân vào nơi rắn đang ở sẽ dễ bị rắn cắn. 8 trường hợp bị rắn cắn vừa qua là rắn không độc, tuy nhiên mọi người không nên chủ quan vì mùa lũ, có khả năng nhiều loại rắn độc ở Campuchia theo dòng nước từ thượng nguồn chảy về, rắn độc trong các rừng cây, đồng ruộng bò ra hoặc các loài rắn độc được người dân nuôi nếu bị xổng chuồng cũng có thể bò vào nhà, tiềm ẩn nguy cơ người dân bị rắn cắn. Nếu bị rắn độc cắn (rắn hổ, rắn lục,...) thì việc điều trị sẽ khó khăn, bệnh nhân phải chuyển lên TP.HCM điều trị vì tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp không có huyết thanh kháng độc rắn.
Họ rắn độc
Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Tấn Hiếu, Khoa Cấp cứu Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp khuyến cáo, nếu không may bị rắn cắn, nạn nhân phải quan sát xem là loại rắn gì, hoặc hình dáng, màu sắc của rắn, tốt nhất là tìm cách đập chết hay bắt sống bỏ vào bao tải. Sau đó, những người có mặt nên trấn an nạn nhân, không cần lấy băng để băng lại khu vực bị cắn, không dùng vật bén để rạch hút nọc độc, không đắp thuốc dân gian vì dễ bị nhiễm trùng và làm vết thương nặng thêm, nên dùng nẹp để nẹp vùng cơ thể bị cắn.
Do khó xác định được rắn độc hay rắn không độc cắn nên người nhà không được chủ quan mà sớm đưa nạn nhân và cả con rắn đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, đồng thời khi xác định được loại rắn, nhân viên y tế sẽ có cách chữa trị hợp lý. Trường hợp nếu bị rắn hổ chúa cắn, nạn nhân có khả năng trở nên nguy kịch, tim ngừng hoạt động, do đó người nhà phải xoa bóp tim bằng cách hô hấp nhân tạo và nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Họ rắn không độc
Để đề phòng rắn cắn vào mùa lũ, mọi người không nên đi bộ vào ban đêm trên những đoạn đường mà cặp mé đường bị nước ngập vì trời tối không thấy dễ giẫm đạp lên rắn. Đối với những người đang sinh hoạt tại nhà, nếu muốn vệ sinh cây, chậu, vật dụng để lâu ngày thì trước tiên phải dùng thanh cây dài đẩy vật cần lấy qua một bên hoặc gõ lên vật ấy xem có rắn trú không, sau đó mới dọn dẹp. Ngoài ra để an toàn, mọi người không nên chọc phá rắn; trước khi ngủ nên giũ mùng chiếu cẩn thận đề phòng rắn bò vào giường ngủ.
Hữu Nghĩa