Những điều cần biết về việc tiêm phòng cho trẻ em
Cập nhật ngày: 18/11/2013 03:59:00
Cho đến nay, có nhiều thông tin phổ biến về lợi ích to lớn của việc tiêm phòng (chích ngừa) cho trẻ em và các bậc phụ huynh đã tích cực đưa trẻ đi tiêm phòng. Tuy nhiên, vẫn còn một số phụ huynh tỏ ra lo ngại vì tác hại không mong muốn khi tiêm vacxin. Để giải tỏa vấn đề này, chúng tôi chia sẻ với các bậc cha mẹ những điều cần biết khi đưa trẻ tiêm vacxin.
Về những phản ứng không mong muốn của việc tiêm phòng:
Tiêm phòng là một biện pháp thực tế nhất, hiệu quả nhất để phòng bệnh. Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, trong một số trường hợp có thể xảy ra phản ứng ở trẻ như:
Phản ứng tại chỗ: Phản ứng này luôn xảy ra sau khi tiêm. Một số trẻ cảm thấy đau nơi tiêm, thường kéo dài từ 1 vài giờ đến 1 ngày, có thể làm các trẻ nhỏ quấy khóc, nổi cục lên ở nơi tiêm, khi viêm tấy đỏ và có thể tồn tại tới 2-3 tuần mới tan, có khi lại bị mẩn ngứa xung quanh nơi tiêm. Những phản ứng này có thể xảy ra trong 5-10% số các trẻ tiêm phòng và thường là tự khỏi.
Phản ứng toàn thân: sốt là chứng hay gặp nhất. Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt: sốt thường nhẹ, nhưng cũng đôi khi sốt cao (trên 390C), kèm theo tình trạng vật vã, quấy khóc; những trẻ lớn có thể kêu nhức đầu, cũng có trường hợp sau khi tiêm phòng 5-12 ngày, trẻ mới bị sốt (thông thường chứng sốt muộn này xảy ra sau khi tiêm phòng bệnh sởi, đôi khi tiêm phòng bệnh quai bị). Tuy nhiên, tất cả các chứng sốt nói trên đều khỏi trong 1-2 ngày và thường là tự khỏi. Chỉ có một số ít trường hợp sốt cao mới cần dùng đến thuốc hạ nhiệt (Paracetamol)
Phản ứng ngoài da: Ban mề đay, ngứa toàn thân, đôi khi có thể xảy ra ở một số trẻ có tiền sử hay bị dị ứng và có thể tồn tại từ 3 - 6 ngày. Ngoài ra, tình trạng phát ban (ban đỏ, gần giống như ban sởi nhưng nhẹ hơn) có thể xảy ra 2-10% trẻ tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn. Ban này thường xuất hiện trong khoảng từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 12 sau khi tiêm phòng, có thể kèm theo sốt nhẹ, và thường tự khỏi không cần dùng thuốc. Chỉ có một số trường hợp ban mề đay, nếu gây khó chịu nhiều cho trẻ thì có thể dùng thêm 1 số thuốc chống dị ứng (Sirop Phenergan, Sirop Promethazine...).
Tai biến thần kinh: Đây là các tai biến đáng quan tâm. Một số ít trẻ sau khi tiêm phòng bệnh ho gà có thể bị co giật (làm kinh) đôi khi kèm theo sốt cao. Các cơn co giật này có thể xảy ra trong khoảng từ 30 phút đến 3 ngày sau khi tiêm phòng. Phần lớn các trẻ này, qua điều tra, có tiền sử có những cơn làm kinh từ trước khi tiêm phòng ho gà. Do đó nên cân nhắc kỹ lưỡng việc tiêm phòng ho gà cho những trẻ đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đây và cũng có thể miễn cho các trẻ này nếu xét thấy không thật sự cần thiết. Ở một số quốc gia, tình trạng này được coi là một “chống chỉ định” cho việc tiêm phòng ho gà.
Đặc biệt, một số ít trường hợp bệnh não có thể xảy ra, cũng ở những trẻ tiêm phòng ho gà mà đã có tiền sử có những cơn làm kinh trước đó. Những trẻ này thường nhỏ tuổi (dưới 6 tháng), sau khi tiêm có thể bị hôn mê, co giật, nôn ói và có thể để lại di chứng sau này. Tuy nhiên, số trẻ bị bệnh não này rất hiếm. Theo một công trình nghiên cứu quốc tế thì chỉ chiếm 1 phần triệu số trẻ tiêm phòng nói trên. Đối với những trẻ này, dĩ nhiên nên cho miễn việc chích ngừa ho gà.
Hội chứng “rên la kéo dài: Một số trẻ, thường ở lứa tuổi 3-6 tháng sau tiêm phòng khoảng 6-10 giờ, bổng phát ra những tiếng rên, có khi la hét to lên. Tuy nhiên, các trường hợp nói trên chỉ do ảnh hưởng của thuốc tới thần kinh của trẻ - đều qua khỏi không gây biến chứng gì.
Viêm hạch: Ở một số trẻ nhỏ, sau khi tiêm thuốc phòng lao (BCG) có thể thấy nổi hạch ở nách, bên phía mới tiêm phòng: trẻ đã có hiện tượng “viêm hạch nách do tiêm phòng lao”. Viêm hạch này có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng khoảng 3 - 5 tuần và có 2 loại: viêm hạch đơn thuần và viêm hạch hóa mủ. Thông thường, ở những trẻ có viêm hạch như kể trên, tình trạng toàn thân vẫn tốt, trẻ không sốt và vẫn có thể tăng cân đều đặn như mọi trẻ bình thường khác. Chứng viêm hạch nói trên - tuy được coi là một phản ứng đặc biệt của việc tiêm phòng lao - nhưng cũng rất hiếm, có thể xảy ra sau tiêm phòng thuốc khác như sau khi tiêm phòng bệnh sởi hoặc bệnh rubêôn.
Những chống chỉ định của tiêm phòng:
Chống chỉ định tạm thời: Trẻ đang sốt; trẻ đang mắc 1 bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi...); trẻ mới khỏi các bệnh nói trên, còn đang trong thời kỳ hồi sức; đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ) hoặc bệnh chàm ngoài da (eczéma).
Chống chỉ định lâu dài: Trẻ đang mắc một bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi..., nhất là đang có bệnh ở thận (như viêm thận mạn tính...).
Một số chống chỉ định đặc biệt: Đối với tiêm phòng lao nên tránh cho các trẻ sinh non còn quá yếu, quá thiếu cân; các trẻ đang bị bệnh cấp tính; các trẻ đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển.
Đối với tiêm phòng sởi: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh bạch cầu (một dạng ung thư máu), các trẻ đang bị suy dinh dưỡng rất trầm trọng, các trẻ đang phải chữa bệnh bằng các loại thuốc corticoid (như “đề xa” dexamethasone...).
Đối với tiêm phòng thương hàn: nên tránh cho các trẻ đang bị bệnh ở thận, đang bị tiểu đường, hoặc đang trong 1 tình trạng có hiện tượng dị ứng trầm trọng (như đang trong thời kỳ có cơn suyễn phế quản...).
Việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết, vì những lợi ích to lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của trẻ, những phản ứng tạm thời của một số trường hợp không gây nguy hại cho trẻ và cũng không làm giảm tác dụng phòng bệnh của việc tiêm phòng. Chỉ duy có 1 số trường hợp cần tránh tiêm phòng - trong một thời gian - thì cần ghi nhớ. Do đó, trước khi cho trẻ tiêm phòng, bà mẹ nên báo cho nhân viên tiêm phòng biết về tình trạng sức khỏe trước đây và hiện nay của trẻ để nhân viên y tế cân nhắc trước khi tiêm phòng và có thể hoãn lại ngày tiêm nếu cần thiết. Có thể tốt hơn nữa, nên hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi đưa trẻ đến nơi tiêm phòng.
Diệu Hiền