Những thách thức trong công tác dân số năm 2014 ở huyện Cao Lãnh
Cập nhật ngày: 20/01/2014 05:23:35
Trong năm 2013, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp với các ngành, đoàn thể của huyện và sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ chuyên trách dân số và các cộng tác viên dân số đã góp phần giúp công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của huyện Cao Lãnh đạt nhiều kết quả, các chỉ tiêu dân số quan trọng được giao đều được thực hiện hoàn thành. Tuy nhiên, huyện cần phấn đấu hơn trong năm 2014.
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cao Lãnh
truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân
Cụ thể, qua phấn đấu tỷ suất sinh thô (CBR) còn 13,11‰, giảm 0,25‰, so với năm 2012; tình trạng sinh con thứ 3 trở lên cũng được kéo giảm còn 3,59%, giảm 0,12% so với năm 2012. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của địa phương là 0,85%, giảm 0,02%. Tỷ số giới tính khi sinh là 103,65%. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình truyền thông thay đổi hành vi nên ý thức đa số người dân trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực. Qua tổng kết, tỷ số giới tính của trẻ mới sinh của huyện Cao Lãnh là 103,65%; số cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai mới đạt 121% so với kế hoạch. Người dân ngày càng quan tâm đến việc thực hiện khám sàng lọc trước sinh và sơ sinh để tầm soát các dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời và nâng cao chất lượng dân số.
Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng công tác DS-KHHGĐ ở huyện Cao Lãnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi địa phương cần có nhiều nỗ lực trong năm 2014 để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra.
Đội ngũ cán bộ chuyên trách và lực lượng cộng tác viên dân số của huyện Cao Lãnh hiện nay tuy được củng cố kiện toàn nhưng trình độ chuyên môn, năng lực công tác còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Huyện hiện có 330 cộng tác viên nhưng trình độ, kỹ năng tư vấn, vận động còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao. Nhiều cộng tác viên được đào tạo và bắt đầu làm quen với công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai hay các chương trình dân số khác của ngành thì do chế độ dành cho cộng tác viên thấp, nên không còn tiếp tục gắn bó với ngành. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tuy không cao nhưng vẫn có sự chênh lệch giữa các vùng trên địa bàn, đòi hỏi phải tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, tránh tình trạng “trọng nam khinh nữ” như trước kia.
Mặc khác, tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai trong năm 2013 của huyện Cao Lãnh tuy vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra nhưng nhìn chung tính bền vững vẫn chưa cao; chất lượng dân số của huyện mặc dù đã được nâng cao so với trước nhưng nhìn chung địa phương vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến chất lượng dân số vẫn còn hạn chế.
Phú Thuận