Sau bữa tiết canh, người đàn ông 50 tuổi tử vong do nhiễm liên cầu lợn

Cập nhật ngày: 26/01/2024 05:29:12

Sau bữa liên hoan tất niên với tiết canh heo, ông T.V.H. (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) thấy đau mỏi người, tiêu chảy, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái.


Một trường hợp bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận 1 ca tử vong do nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Bệnh nhân là ông T.V.H. (50 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định) có tiền sử khỏe mạnh. Ba ngày trước khi vào viện, ông H. mổ heo, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan ít ngày, ông H. thấy đau mỏi người, tiêu chảy, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái nên được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis).

Sau đó, bệnh nhân H. được bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, mặc dù đã được các bác sĩ hồi sức tích cực nhưng bệnh nhân H. đã tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và rối loạn đông máu nặng.


Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn có nguy cơ tử vong cao

Theo các bác sĩ, liên cầu lợn là một vi khuẩn cư trú tự nhiên ở đường hô hấp trên, đặc biệt là amidan, khoang mũi, đường sinh dục và tiêu hóa của heo khỏe mạnh hoặc bị bệnh. Liên cầu lợn có 35 type huyết thanh, trong đó type 2 có độc lực cao nhất và thường gây bệnh ở người. Người bị nhiễm liên cầu lợn có thể biểu hiện dưới nhiều thể lâm sàng khác nhau, như: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, hội chứng sốc nhiễm độc với suy đa cơ quan... nên tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn rất cao.

Theo NGUYỄN QUỐC (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn