Hướng phát triển mới của khô cá lóc Tràm Chim
Cập nhật ngày: 23/10/2013 04:52:52
Năm 2012, sau bao năm gầy dựng, sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim được Cục sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Đây là niềm vui lớn của người dân Tam Nông trong việc đưa sản phẩm địa phương vươn xa. Hiện nay, các hợp tác xã (HTX), công ty trên địa bàn huyện đang đẩy mạnh củng cố xây dựng nhãn hiệu đặc sản khô cá lóc Tràm Chim, để sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa mà hướng đến xuất khẩu, phát triển bền vững.
Củng cố nhãn hiệu, hoàn chỉnh thị trường nội địa
Sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng
HTX Thương mại, Dịch vụ chợ Tràm Chim là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa đặc sản khô cá lóc Tràm Chim đến tay người tiêu dùng. Sớm nhận thấy vai trò của bảo hộ nhãn hiệu trong việc phát triển thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường kinh doanh, từ năm 2010, HTX Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) đã đăng ký nhãn hiệu bản quyền, tạo điều kiện thuận lợi khi thanh toán trong siêu thị. Năm 2012, sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim của HTX được công nhận là sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Điều này đã tạo một bước tiến mới cho thương hiệu khô cá lóc Tràm Chim có cơ hội vươn ra thị trường.
Ông Phan Văn Nỹ - Phó Chủ nhiệm HTX Tràm Chim cho biết, việc được công nhận nhãn hiệu hàng hóa giúp HTX yên tâm đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm của mình. Hiện nay, sản phẩm khô cá lóc Tràm Chim có đầu ra ổn định không chỉ tại thị trường trong tỉnh mà có mặt ở nhiều siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh và nhiều đại lý tại các tỉnh An Giang, TP.Cần Thơ... Bên cạnh thị trường truyền thống, hiện nay HTX đang phấn đấu đưa sản phẩm thâm nhập thị trường các tỉnh miền Trung, phía Bắc bằng hình thức tham gia Hội chợ giới thiệu sản phẩm. Đồng thời tranh thủ với Sở Công Thương và Liên minh HTX tỉnh giới thiệu tiếp cận với các quận, huyện và Liên minh HTX thành phố Hồ Chí Minh... để kinh doanh trao đổi hàng hóa hiệu quả, nhất là đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về tận địa phương.
“Mục tiêu của chúng tôi là củng cố hoàn chỉnh sản phẩm trước tiên ở thị trường nội địa, sau đó mới hướng ra thị trường nước ngoài như Thái Lan, Campuchia, Singapore... Tuy nhiên, do nguồn vốn còn khó khăn nên cơ sở vẫn còn hạn chế trong việc mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng các quy trình sản xuất khô cũng như hệ thống dây chuyền công nghệ tiên tiến về sản xuất và chế biến sản phẩm khô đạt chất lượng theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điều chúng tôi mong mỏi hiện nay là được tỉnh và Liên minh HTX hỗ trợ vốn vay và giúp xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị của mặt hàng đặc sản” - ông Nỹ cho biết thêm.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến xuất khẩu
Cùng với HTX Tràm Chim hiện nay, Công ty Cổ phần Tứ Quý (xã Phú Thọ, huyệnTam Nông) cũng đang quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm khô cá lóc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển bền vững và hướng đến xuất khẩu.
Là một công ty mới thành lập, nhưng Công ty Cổ phần Tứ Quý đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình thông qua việc mạnh mẽ đưa hệ thống máy sấy, máy chiếu tiệt trùng bằng tia cực tím và máy đóng gói chân không trong chế biến cá khô. Hiện tại, mỗi ngày Công ty sản xuất khoảng 500kg cá tươi cho ra khoảng 140kg cá khô theo quy trình khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm khô cá lóc của Công ty đã chiếm được một lượng khách hàng tương đối ổn định, sản phẩm khô Tứ Quý còn được quảng bá đến nhiều nơi, từ các siêu thị, cửa hàng đặc sản ở Đồng Tháp, đến TPHCM, các hệ thống siêu thị CoopMart, các khu hội chợ với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn...
Ông Lê Văn Thiện - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tứ Quý chia sẻ: “Hiện nay sản phẩm khô Tứ Quý đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm đạt yêu cầu chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Bên cạnh xây dựng nhãn hiệu, chúng tôi cũng đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của Công ty đến người tiêu dùng thông qua các kênh hàng Việt về nông thôn, quảng bá tại các đại lý, cửa hàng trong tỉnh, đặt đại lý ở khu vực miền Trung, lập trang web giới thiệu sản phẩm... Dự định của Công ty trong thời gian tới là sẽ mở rộng mặt bằng nhà xưởng lên khoảng 2.000m2, trang bị thêm máy móc, tạo thêm các sản phẩm mới như: khô rắn, khô cá lóc bông, cá chạch và cá tra phồng... Song song đó sẽ liên kết thêm nhiều địa chỉ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng nhiều mặt hàng hơn nữa để thương hiệu khô cá Tứ Quý ngày càng vươn xa, làm giàu cho địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thông - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, trên địa bàn huyện có 11 cơ sở chế biến cá khô thủ công, các cơ sở trên đang từng bước củng cố, đưa sản phẩm này hướng đến phát triển bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tỉnh nên hỗ trợ cho huyện về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật chế biến, cũng như hệ thống dây chuyền công nghệ tiên tiến về sản xuất và chế biến sản phẩm khô để đạt chất lượng theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Về lâu dài, huyện Tam Nông sẽ quan tâm đầu tư, củng cố phát triển bền vững ngành nghề truyền thống. Đồng thời huyện sẽ quy hoạch, bố trí sản xuất hợp lý để tạo nguồn nguyên liệu, cung ứng nguồn hàng hóa ổn định cho thị trường.
Mỹ Nhân