Hai buổi làm việc trong ngày và lời hứa của Thủ tướng

Cập nhật ngày: 10/07/2014 08:55:59

Thuế và hải quan là 2 trong số các lĩnh vực rất dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, làm mất thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cơ quan công quyền.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trao đổi với các đại biểu dự buổi làm việc với Tổng cục Thuế ngày 9/7/2014. Ảnh: VGP

Cách đây không lâu, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014 diễn ra vào ngày 28/4 vừa qua, các doanh nghiệp cũng đã “kêu ca”.

Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn bày tỏ: “Doanh nghiệp và người dân nộp thuế mà khó khăn quá. Tôi là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin lỗi nhân dân về việc đó”, cùng với đó là lời hứa “Chính phủ cam kết sẽ làm hết sức mình để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Thực ra, những vấn đề nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu, như thuế, hải quan, đất đai, đăng ký thành lập doanh nghiệp… là những vấn đề luôn được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ ở nhiều hội nghị, các cuộc họp, làm việc của Thủ tướng. Chỉ đạo của Thủ tướng về cải cách hành chính, cải cách thủ tục về thuế, phí, hải quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp luôn được đề cập trong Nghị quyết các phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Mới đây nhất, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2014 cũng nêu rõ yêu cầu của Chính phủ đối với các Bộ, cơ quan, địa phương là tập trung chỉ đạo, tích cực triển khai nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, xây dựng, thuế, hải quan…

Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sâu sát; cam kết sẽ làm hết sức mình để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo mọi thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách liên quan đến thuế và hải quan, chỉ trong ngày 9/7, Thủ tướng đã có hai buổi làm việc với Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan để trực tiếp nghe báo cáo và đưa ra những chỉ đạo về công tác quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Kết luận buổi làm việc với Tổng cục Thuế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra hàng loạt những yếu kém, bất cập, hạn chế mà ngành cần phải đặc biệt quan tâm, tập trung khắc phục bằng những giải pháp hiệu quả, hành động.

Cụ thể như: Công tác quản lý thuế còn nhiều yếu kém, thể hiện rõ nhất là so với các nước trong khu vực, số giờ nộp thuế của Việt Nam hiện nay là lớn nhất, số lần nộp thuế cũng cao nhất; thất thu thuế còn lớn; trong tổ chức bộ máy, trong hoạt động của ngành, có mặt còn chưa năng động, chưa thích hợp; một số cán bộ ngành Thuế còn có thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp kém, phải kiên quyết đưa những cán bộ này ra khỏi ngành, không để con sâu làm rầu nồi canh; thủ tục hành chính thuế vẫn còn phức tạp, khó khăn trong thực hiện, làm mất nhiều thời gian của người dân và doanh nghiệp...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo hàng loạt nhiệm vụ lớn đối với ngành, trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Ngành Thuế phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng tối đa các yêu cầu của hội nhập và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; góp phần nâng cao thứ bậc cạnh tranh của nền kinh tế, tạo mọi điều kiện cho người dân doanh nghiệp tự do làm ăn kinh doanh theo pháp luật cũng như góp phần tích cực cải thiện cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư...

Ngành Thuế phải cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; tập trung mạnh vào rà soát, cải cách thủ tục hành chính theo các tiêu chí cụ thể, trong đó đặc biệt quan tâm giảm số lần, thời gian nộp thuế hơn nữa.

Với quan điểm rất rõ ràng là phải kiên quyết đưa những cán bộ có thái độ nhũng nhiễu, hách dịch, ý thức phục vụ nhân dân, doanh nghiệp kém ra khỏi ngành, không để "con sâu làm rầu nồi canh", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, triển khai rộng rãi kê khai, nộp thuế điện tử nhằm rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, qua đó cũng góp phần giảm tiêu cực, nhũng nhiễu trong hoạt động của ngành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh ngành Thuế cần tập trung tham mưu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thuế nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất; đồng thời tham gia chống chuyển giá của các doanh nghiệp, chống thất thu ngân sách.

Tăng cường hơn nữa hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát; tiếp tục chấn chỉnh các khâu trong công tác quản lý thuế; nâng cao nhận thức về cải cách, hiện đại hóa quản lý hành chính thuế cho đội ngũ cán bộ thuế; tập trung xây dựng ngành Thuế thực sự trong sạch, vững mạnh; đề cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước...


Tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan chiều ngày 9/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng và hiện đại hóa ngành Hải quan Việt Nam tương đương trình độ các nước trong khu vực Ảnh: VGP

Tại buổi làm việc với Tổng cục Hải quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Thủ tục hải quan cho xuất khẩu mất 4 ngày, cao gấp 2 lần so với bình quân khu vực, thủ tục nhập khẩu là 4 ngày trong khi bình quân khu vực chỉ có 3 ngày là không thể chấp nhận được”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng và hiện đại hóa ngành Hải quan Việt Nam tương đương trình độ các nước trong khu vực; sử dụng công nghệ thông tin, giảm tiếp xúc giữa cán bộ hải quan với doanh nghiệp; đồng ý cho phép ngành hải quan trang bị máy soi hiện đại ở tất cả các cửa khẩu. Đề nghị ngành tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế hải quan một cửa quốc gia theo đúng cam kết với ASEAN.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, kết nối, đồng thời rà soát các quy định, các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, giảm số lượng thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngành Hải quan phải tăng cường công tác quản lý cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở; có biện pháp hữu hiệu chấn chỉnh, khắc phục hiện tượng sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như trong khâu giám sát, kiểm tra, thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu.

Một lần nữa Thủ tướng nêu rõ yêu cầu là phải kiên quyết loại ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa biến chất, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế.

Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng công tác quản lý và cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan sẽ có những chuyển biến nhanh và mạnh hơn, thực sự tạo được dấu ấn trong cải cách, đổi mới và đóng góp thiết thực vào tiến trình cải cách hành chính quốc gia, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả; một nền hành chính phục vụ theo tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp khi đến làm việc, tiếp xúc với cơ quan công quyền.

Nguyễn Hoàng (Chinhphu.vn) –

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn