Một số chính sách có hiệu lực trong tháng 2/2023
Cập nhật ngày: 01/02/2023 11:10:09
Từ tháng 2/2023, một số chính sách mới, như quy định về các trường hợp ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; hỗ trợ người trồng lúa… sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Ký hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 (về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) có hiệu lực từ ngày 22/2/2023.
Nghị định nêu rõ các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm lái xe, bảo vệ; lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.
Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; kho tiền hoặc kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan; lái xe phục vụ bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
Nông dân Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình trồng lúa thông minh. Ảnh: CAO PHONG
Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc hỗ trợ cho người trồng lúa: sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp. Căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật, các đơn vị lập dự toán chi trình cấp có thẩm quyền quyết định… Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2/2023.
Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến
Thông tư số 75/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 5/2/2023, quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại thông tư này.
Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài
Thông tư 20/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15/2/2023, hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân.
Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm: mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài; nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ. Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh; nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ. Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế; nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.
Bên cạnh đó, thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.
Theo ANH THƯ - HÀM LUÔNG (SGGP)