Bảo tồn, phát huy các giá trị làng nghề truyền thống

Cập nhật ngày: 30/11/2023 05:44:03

http://baodongthap.com.vn/database/video/20231130054537DT2-6.mp3

 

ĐTO - Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, làng nghề theo hướng hài hòa giữa gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng với nền kinh tế thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn…


Các hộ làm nghề dệt chiếu ở Định Yên sử dụng máy móc, giúp nâng cao sản lượng 
và chất lượng sản phẩm

Vực dậy làng nghề truyền thống

Làng nghề dệt chiếu truyền thống Định Yên (huyện Lấp Vò) hình thành và phát triển hơn 100 năm, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Sang ngụ ấp An Khương, xã Định Yên có gần 30 năm theo nghề dệt chiếu, chia sẻ: “Hiện nay, nhờ ứng dụng máy móc, thiết bị nên sản phẩm chiếu của bà con nâng cao chất lượng, số lượng và thu hút khách hàng gần xa. Mỗi chiếc máy dệt chiếu có công suất khoảng 15 chiếc/ngày. Tôi rất tự hào vì góp phần phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu của quê mình”...

Hiện nay, Làng chiếu Định Yên có trên 800 hộ làm nghề dệt chiếu. Đa số đều sử dụng máy dệt nên năng suất lao động tăng cao. Mỗi năm, Làng chiếu Định Yên sản xuất hàng triệu chiếc chiếu các loại như: chiếu vảy ốc, chiếu bông, chiếu con cờ, chiếu trắng, chiếu cổ... tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Campuchia. Bà Nguyễn Thị Nhanh - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Trước đây, đa phần người dân Định Yên sống bằng nghề dệt chiếu. Hiện nay, người dân làng nghề đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, sản lượng ngày càng cao. Không chỉ tiêu thụ trong nước, chiếu Định Yên còn được xuất bán nhiều nơi, đặc biệt xuất khẩu sang Campuchia”.

Nghề làm nem ở Lai Vung (huyện Lai Vung) ra đời khoảng năm 1960. Đến tháng 11/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề thủ công truyền thống - Nghề làm nem Lai Vung (xã Tân Thành và thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Qua tìm hiểu từ các cơ sở sản xuất nem, từ món ăn dân dã, chế biến thủ công theo phương thức “cha truyền con nối”, ngày nay, các cơ sở làm nem ở Lai Vung đã đầu tư nhiều máy móc để sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt hơn, bảo quản lâu hơn và có mặt ở nhiều siêu thị lớn, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, bí quyết làm nghề của mỗi người là yếu tố quan trọng để sản phẩm có màu sắc và hương vị đặc trưng của từng cơ sở. Để làm ra mỗi chiếc nem, bì thơm ngon là tất cả công sức, sự cần cù, tỉ mỉ, với cả tấm lòng của người thợ.


Nghề làm nem tại huyện Lai Vung góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động

Theo UBND huyện Lai Vung, hiện nem Lai Vung đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận có giá trị 10 năm cho các cơ sở sản xuất nem: Cơ sở Giáo Thơ (xã Tân Thành), Tư Minh (thị trấn Lai Vung), Út Thẳng (xã Long Hậu) và Cơ sở Thúy Ngoan (thị trấn Lai Vung). Từ một vài hộ làm nem ban đầu, nay toàn huyện Lai Vung có hơn 20 cơ sở sản xuất nem, với nhiều thương hiệu nổi tiếng, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. Mỗi ngày có hàng trăm ngàn chiếc nem Lai Vung được sản xuất và tiêu thụ và mỗi năm doanh thu từ sản phẩm nem ước đạt trên 50 tỷ đồng...

Là người có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm nem truyền thống, ông Lê Ngọc Thẳng - chủ Cơ sở nem Út Thẳng (xã Tân Thành, huyện Lai Vung), cho biết: “Từ một mặt hàng nem chua ban đầu, thương hiệu nem Út Thẳng đã phát triển thành chuỗi sản phẩm với hàng chục món ngon như: chả lụa, chả hoa, pate, bì dai, bì chua, nem Huế, nem nướng... Mỗi sản phẩm đều được khách hàng đón nhận nồng hậu. Cơ sở sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng để nâng cao năng lực sản xuất. Chúng tôi cũng dành nhiều tâm huyết để quay lại sản xuất dòng sản phẩm nem được làm thủ công, phục vụ một bộ phận khách hàng yêu thích hàng truyền thống...”.

Ông Phan Văn Tập - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết: “Để giữ vững thương hiệu “Nem Lai Vung”, các cơ sở làm nem luôn xây dựng cho mình thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chí về vệ sinh môi trường. Đồng thời, các cơ sở cũng không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường và du khách”.


Thời gian qua, để nâng cao giá trị làng nghề, UBND huyện Lấp Vò tổ chức thực cảnh 
“Chợ ma Định Yên” là sản phẩm kết hợp giữa du lịch và thưởng thức chương trình nghệ thuật

Gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, để bảo tồn và phát triển làng nghề, mục tiêu đến năm 2025 sẽ bảo tồn 16 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Trong đó, có các làng nghề về đan lờ, lọp, cần xé, bội, lưới, thúng, rổ và làng nghề truyền thống đóng xuồng ghe, đan mê bồ, sản xuất bột. Cùng với đó, công nhận mới 4 làng nghề: hoa giấy huyện Lai Vung, đan lục bình huyện Cao Lãnh, làng nghề khô trâu huyện Tân Hồng và 1 nghề truyền thống làm bánh đa huyện Tân Hồng... Kế hoạch cũng đề ra chỉ tiêu đến năm 2025, có ít nhất 20% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Bên cạnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh sẽ hướng dẫn, tư vấn hỗ trợ các cơ sở làm nghề tại các làng nghề chủ động, tích cực liên kết hợp tác, tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để thúc đẩy phát triển các hình thức tổ chức có tư cách pháp nhân tại các làng nghề. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tổ chức sản xuất, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề.

Tỉnh cũng khuyến khích phát triển ý tưởng sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp để phát triển các sản phẩm nghề truyền thống thông qua chương trình khởi nghiệp của thanh niên, sinh viên, học sinh. Đồng thời hỗ trợ xây dựng Trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa...

Bà Nguyễn Thị Nhanh - Chủ tịch UBND huyện Lấp Vò, cho biết: “Để góp phần phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh địa phương, huyện Lấp Vò triển khai khôi phục, phát huy giá trị làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống và tái hiện lại chợ chiếu Định Yên kết hợp trải nghiệm văn hóa lịch sử địa phương. Điều này nhằm phát huy và vực dậy làng nghề truyền thống địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh con người Lấp Vò nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung”.

Ông Phan Văn Tập – Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, chia sẻ: “Huyện sẽ kết nối lữ hành đến huyện tham quan, trải nghiệm làm nem - một món ăn dân dã, gắn với tên một vùng đất và trở thành nghề di sản. Hành trình đó hàng chục năm, cũng lắm thăng trầm. Và nghề làm nem đang là một tài sản quý, cần được đầu tư nhiều hơn để phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, xây dựng nông thôn mới...

NHẬT NAM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn