Điệu hò sông nước miền Tây
Cập nhật ngày: 09/01/2017 11:02:06
Kỳ cuối: Điệu hò quê hương đang “sống” lại
Sau 60 năm “mất tích”, hò Đồng Tháp đang phục hồi trở lại mạnh mẽ sau khi nhạc sĩ Cao Văn Lý bỏ công sưu tầm và mở lớp dạy cho những người mê điệu hò này. Gần đây, hò Đồng Tháp cũng đã vào trường đại học, trường phổ thông.
Bài liên quan:
>> Kỳ 1: 4 giờ sáng thức dậy chờ nghe hò
>> Kỳ 2: Nhặt từng câu hò trên Đất sen hồng
Trong những ngày cuối năm 2016, những nghệ nhân, ca sĩ tỉnh Đồng Tháp đang miệt mài đến các khu du lịch trong tỉnh để truyền dạy kỹ thuật hò Đồng Tháp nổi danh một thời cho đội ngũ hướng dẫn viên và những người mê hò. Từ đầu năm 2017 trở đi, du khách đến Đồng Tháp không chỉ được chìm đắm trong những cảnh vật đẹp mê hồn, mà còn ngây ngất bởi những điệu hò chạm tới trái tim.

Diễn viên trẻ Cẩm Nhung hò bài “Hò Đồng Tháp” cho bà Lê Thị Huệ (nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp) nghe trong một lần đến thăm bà. Bài này, bà Huệ đã từng nghe nghệ sĩ Kim Nhụy hò trước năm 1954
Người trẻ mê hò Đồng Tháp
Nhạc sĩ Cao Văn Lý cho biết, điều làm ông rất bất ngờ không phải là đoàn Đồng Tháp đạt giải A Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực phía Nam năm 2011, Huy chương bạc Liên hoan dân ca toàn quốc năm 2013 và Huy chương vàng năm 2015 mà chính là việc có rất nhiều người trẻ ở Đồng Tháp mê hò. Đó là điều gây cho ông bất ngờ, bởi vì phần đông giới trẻ bây giờ chỉ thích nhạc trẻ sôi động chứ ít người mê dân ca. Ông nói: “Tôi đặt rất nhiều kỳ vọng vào những người trẻ này vì họ đi tiên phong trong việc phục hồi điệu hò Đồng Tháp. Những giọng hò như: Cẩm Nhung, Anh Đào, Kim Phượng, Hoàng Em... đã gây tiếng vang thông qua các chương trình, hội diễn, hội thi. Họ sẽ làm cho ngọn lửa đam mê hò Đồng Tháp cháy lan ra ngày càng rộng”.
Chúng tôi gặp một số cán bộ, nhân viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp khi họ đến thăm bà Lê Thị Huệ (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp). Bà Huệ bảo bà rất mê hò Đồng Tháp, hồi nhỏ nghe hoài, sau này ít được nghe. Thế là chị Cẩm Nhung đã cất giọng hò một bài mà nghệ sĩ Kim Nhụy từng hò trước đây khiến bà Huệ xúc động rơm rớm nước mắt:
“Ơ...hòa... ơ... hò... ơ... Ngó lên trời, trời trong mây trắng. Dòm xuống nước, nước trắng lại trong. Nhỏ nhỏ như ai, chứ nhỏ nhỏ như em chắc dạ bền....ơ...lòng...ơ. Ơ... hòa... ơ... hò... ơ.... Nhỏ nhỏ như ai, chứ nhỏ nhỏ như em chắc dạ bền lòng. Lỡ duyên em chịu lỡ. Đóng cửa loan...ơ.... phòng....ơ.... em chờ anh... hò...ơ....”.
Ca sĩ Huỳnh Thanh Thủy (Trưởng Phòng nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp) cao hứng cũng hò thêm mấy bài nữa. Chị Thủy vốn là “đệ tử” ruột của nhạc sĩ Cao Văn Lý và nhiều lần đi theo trợ giảng bộ môn hò Đồng Tháp. Những bạn trẻ như Cẩm Nhung, Anh Đào, Hoàng Em lại là học trò của chị. Chị Thủy kể, chị học nhạc thính phòng, nhưng sau này làm thầy hò Đồng Tháp. “Năm 1998, lần đầu tiên tôi được nghe hò Đồng Tháp qua băng ghi âm giọng hò của nghệ sĩ Kim Nhụy. Lúc đó mới biết quê mình có hò hay như vậy nên đã cất công tìm hiểu. Sau này được thầy Cao Văn Lý dạy bài bản nên có thêm nghề tay trái là hò”- chị Thủy kể.
Những năm gần đây, người dân Đồng Tháp rất thích nghe hò. Các chương trình, hội diễn văn nghệ cũng có tiết mục hò nên chị Thủy thường xuyên nhận được lời mời dàn dựng, huấn luyện cho các đội, nhóm hò. Nơi có nhiều bạn trẻ mê hò nhất có lẽ là Trường Đại học Đồng Tháp. Năm nào hội diễn văn nghệ trường này cũng có một số tiết mục hò có chất lượng tốt. Khán giả là sinh viên cũng rất thích xem các tiết mục này. Bất ngờ nhất là học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, TP.Cao Lãnh cũng muốn biết hò để tham dự hội diễn văn nghệ của trường. Nghe học sinh Tiểu học muốn hò, chị Thủy vừa ngạc nhiên, vừa hào hứng đi gặp các em liền.
Chị Thủy kể: “Ban đầu, tôi hò cho các em nghe rồi bảo các em thử hò lại thì không ai làm được. Các em hỏi sao mà hò khó vậy cô. Tôi mới bảo hò Đồng Tháp hay thì phải vậy. Cố gắng học thì sẽ hò được và luôn động viên các em trong quá trình luyện tập. Mặc dù giọng hò của các em không phải xuất sắc, nhưng cũng đủ làm cho thầy cô và học sinh của trường này xúc động, thán phục. Tôi rất vui vì các em còn nhỏ nhưng lại yêu thích hò Đồng Tháp, cũng là yêu quê hương, đất nước mình”.
Tết năm rồi, Đoàn văn công tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình “Nghệ sĩ du xuân” tại công viên Văn Miếu TP.Cao Lãnh. Trong chương trình có phần diễn viên hò mẫu điệu hò Đồng Tháp rồi mời khán giả hò lại hoặc hò đối đáp. “Chúng tôi không ngờ có rất nhiều khán giả trẻ tham gia. Có người hò gần đúng, có người hò chưa đúng nhưng sự hào hứng tham gia hò cho thấy các bạn đã nghe và có sự yêu thích. Chúng tôi sẽ rất hạnh phúc nếu ngày càng nhiều bạn trẻ Đồng Tháp đam mê nghe và biết hò điệu hò của quê mình” - Nghệ sĩ ưu tú Đinh Minh Mẫn nói.
Hò cấy của người bình dân
Theo chuyên gia văn hóa Mai Mỹ Duyên, hò cấy còn gọi là hò môi, hò mép tức là ngẫu hứng mà hò chứ không có sự sắp xếp trước. Câu chữ dùng để đối đáp xuất hiện bất thình lình theo tình huống đang diễn ra nên rất chân thực, sinh động và rất bình dân. Người hò thường bắt đầu bằng: “Ả...khoan...hơ...” rồi mới vào nội dung chính.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mỹ Chính ở xã Tăng Hòa, ngày xưa bà thường bắt đầu bằng từ “Hò... ơ....”. Thông thường người nam sẽ hò trước để dò ý đối tượng (nông dân ở đây gọi là hò ghẹo). Cũng có một số chị em bạo dạn hò trước trêu ghẹo người nam. Trường hợp người hò dùng từ ngữ thô tục, lả lơi hay thiếu tôn trọng nhau thì sẽ bị nậu cấy nhắc nhở, điều chỉnh liền. Do đó, người hò cấy Gò Công sử dụng từ ngữ rất bình dân nhưng phải có văn hóa.
Chẳng hạn người nam hò ghẹo: “Hò...ơ.... Cây bần gie con bướm đậu trên cành. Em tên chi mà thứ mấy, cắt nghĩa rành anh kêu”.
Nếu thấy hợp ý thì người nữ hò đáp lại:“Hò... ơ.... Một cây năm bảy nhánh, một cội năm bảy cành. Em tên Tư mà thứ Bốn, cắt nghĩa rành để anh kêu. Hò... ơ...”.

Những hướng dẫn viên du lịch tỉnh Đồng Tháp học hò để phục vụ du khách
Cho đến bây giờ vẫn không có ai giải thích được vì sao những người nông dân chân lấm tay bùn rất ít học, thậm chí không biết chữ, nhưng khi nghe người khác hò thì họ ứng khẩu đối đáp bằng những câu hò đầy chất thơ, nội dung chân thực, ý nghĩa rất sâu sắc như vậy. Chúng tôi hỏi điều này, bà Mỹ Chín lắc đầu: “Tui không biết nữa. Mấy cô, mấy dì có biết chữ đâu mà hò câu nào nghe cũng đã tai mà lại toàn câu từ bình dân ở địa phương. Chẳng hạn câu này: “Duyên cắc cớ tình cờ anh mới gặp. Gặp em đây rồi anh muốn tạo lập cảnh gia đình. Vậy cùng anh quyết chí, hỏi em Chín mình có thương không?”. Rõ ràng nó đâu phải là thơ, chỉ là suy nghĩ trong đầu của một người nam rồi nói với cô gái bằng giai điệu hò. Vậy mà nghe thấy thật và gần gũi vô cùng”.
Hò cấy không chỉ có đối đáp giữa hai người mà còn là sự cộng cảm của cả nhóm cấy. Khi trong nhóm có vẻ bị “bí”, chưa tìm ra câu hò đối phù hợp thì nậu cấy sẽ tham gia mách nước. Điều đó cho thấy tính cộng đồng, đoàn kết rất cao của người tham gia hò cấy. Cũng nhờ sự tham gia của cả tập thể mà công cấy mới có thể hò (và nghe hò) từ tờ mờ sáng - khi chưa xuống ruộng - cho tới khi đi bộ về nhà lúc mặt trời khuất sau ngọn cây.
Về sau này nông dân trồng lúa 2-3 vụ/năm nên sử dụng phương thức canh tác khác, không còn gieo mạ rồi cấy nữa. Thiếu bạn hò khác giới, áp lực lao động, tiếng ồn của máy móc trên đồng ruộng khi vào mùa... đã khiến niềm đam mê hò của người nông dân giảm sút rồi từ từ không còn ai hò nữa. Nhưng những người còn sống vẫn hò hay như thuở đôi mươi. Đây được xem là tài sản quý giá để tỉnh Đồng Tháp nói riêng phục hồi điệu hò gắn liền với người nông dân Nam bộ xưa.
Đi du lịch, được nghe hò
Để phục hồi điệu hò Đồng Tháp, lãnh đạo tỉnh quyết định đưa điệu hò vào các khu du lịch. Thay vì đờn ca tài tử, cổ nhạc như các tỉnh khác, Đồng Tháp sẽ “chiêu đãi” du khách những điệu hò như rót mật vào tai, để khi trở về, họ không thể nào quên được. Đến cuối năm 2016, tại các khu du lịch Gáo Giồng, Xẻo Quít, Tràm Chim đã có thêm “món” hò Đồng Tháp trong “thực đơn” đón khách. Trước Tết 2017, du khách tới thành phố hoa Sa Đéc sẽ có cảm giác như lạc vào tiên cảnh với ngàn hoa khoa sắc và những điệu hò Đồng Tháp văng vẳng bên tai.
|
HOÀI PHONG