HUYỆN LẤP VÒ
Tiếp tục phát huy giá trị văn hóa phi vật thể và nghề thủ công truyền thống
Cập nhật ngày: 08/09/2022 05:54:39
ĐTO - Thời gian qua, UBND huyện Lấp Vò đã xây dựng kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đờn ca tài tử (ĐCTT), hò Đồng Tháp; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Đồng thời triển khai, phân công nhiệm vụ cho các ngành huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện, bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Sản phẩm của Làng nghề dệt chiếu xã Định Yên được đa dạng mẫu mã, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng
Đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ĐCTT, hò Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn, huyện Lấp Vò thường xuyên tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia ĐCTT và hò Đồng Tháp trên Cổng thông tin điện tử huyện và các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, địa phương tích cực tham gia các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu nghệ thuật để giới thiệu, phổ biến, quảng bá 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia độc đáo này đến với công chúng và du khách trong và ngoài huyện.
Các ngành, xã, thị trấn quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng về tổ chức và hoạt động của 13 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT tại các xã, thị trấn (trong đó có 1 CLB ĐCTT xã Định Yên đã đổi tên thành CLB ĐCTT và Hò Đồng Tháp). Thành lập và tổ chức lễ ra mắt 1 CLB ĐCTT và Hò Đồng Tháp huyện Lấp Vò. CLB ĐCTT và Hò Đồng Tháp huyện Lấp Vò được mời tham gia Liên hoan ĐCTT Quốc gia lần thứ III năm 2022 được tổ chức ở TP Cần Thơ. Ngoài ra, huyện Lấp Vò đã tổ chức Cuộc thi liên hoan văn nghệ thiếu nhi cấp huyện, có 11/13 đơn vị đăng ký với khoảng 450 thí sinh tham gia. Kết quả, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao 10 giải tập thể, 37 giải tiết mục cho các tập thể, cá nhân đạt giải tại liên hoan. Các CLB ĐCTT tại các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân cũng như quảng bá hình ảnh địa phương.
Song song đó, huyện Lấp Vò đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn. Nhất là chú trọng tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa nghề thủ công truyền thống trong hoạt động du lịch. Huyện duy trì phát triển Làng nghề dệt chiếu ở 2 xã Định Yên - Định An; xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư sản xuất, xúc tiến, phân phối sản phẩm của “Nghề dệt chiếu”; liên kết các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia hội nghị, hội chợ kết nối cung cầu giữa các tỉnh, thành trong cả nước. Trên địa bàn huyện Lấp Vò có 12 làng nghề được công nhận (đều thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp) gồm: 8 làng nghề dệt chiếu, 1 làng nghề đan bội, 1 làng nghề làm chổi lông gà, 1 làng nghề đan lưới và 1 làng nghề đan đát; tập trung ở các xã: Định An, Định Yên, Long Hưng B, Vĩnh Thạnh và Bình Thành. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Lấp Vò còn duy trì và phát triển một số nghề như: nghề trồng hoa kiểng, nghề sửa chữa xuồng ghe, nghề làm thớt, chế biến khô cá. Tuy một số nghề mới hình thành nhưng thu hút khá nhiều lao động ở nông thôn tham gia.
Huyện Lấp Vò còn tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch dựa trên nguồn lực đầu tư công kết hợp với sự hỗ trợ của tỉnh và các nguồn lực xã hội. Đến nay, một số công trình hạ tầng về giao thông và hạ tầng khác đã phát huy hiệu quả và tác động trực tiếp đến hoạt động các làng nghề và hoạt động du lịch như: xây dựng tuyến đường nối dài huyện lộ 69 (đoạn từ Công viên đến Trường Tiểu học Long Hưng A1) với tổng kinh phí gần 4,5 tỷ đồng; đầu tư xây dựng mới tuyến đường và cầu (đoạn từ tỉnh lộ 848 đến Cồn Ông) với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Huyện đã phối hợp và định hướng Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam tại xã Long Hưng A - bố trí một địa điểm trưng bày sản phẩm và bán sản phẩm lưu niệm, kết hợp phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm.
|
DŨNG CHINH