Trần Thanh Hà - Một cây bút đa năng

Cập nhật ngày: 14/11/2022 12:51:21

ĐTO - Có thể khẳng định, ở Đồng Tháp, Trần Thanh Hà là một trong không nhiều những cây bút đa năng, nghĩa là có thể sáng tác được, sáng tác tốt trên nhiều thể loại văn học - nghệ thuật (VHNT). Trần Thanh Hà vốn có duyên nợ đầu tiên với văn chương, nhưng sau đó là gắn bó sâu sắc với sân khấu, rồi sau đó là cả âm nhạc, văn nghệ dân gian (VNDG)... Chưa nói, ngoài văn học - nghệ thuật chính hiệu, Trần Thanh Hà còn là một vũ sư, một luật gia, một nhà hoạt động xã hội... và nhất là một nhà giáo, vì anh vốn là một giáo viên dạy môn Toán tại một trường phổ thông ở huyện Cao Lãnh.

Xét riêng phương diện sáng tạo tác phẩm VHNT, Trần Thanh Hà đã có một “lưng vốn” khá dồi dào, phong phú mà không phải nhiều cây bút ở Đồng Tháp có được. Tôi gọi Trần Thanh Hà là một cây bút đa năng là vì thế.

Trước hết, ở lĩnh vực sân khấu, nơi anh vừa “gác kiếm” (từ dùng của chính Thanh Hà), thôi chức Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu thuộc Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp để về hưu, anh đã có những đóng góp đáng ghi nhận không chỉ ở phương diện gầy dựng, lèo lái, động viên, kết nối một phong trào mà hơn thế, còn là một cây bút sung sức, gặt hái được những kết quả đáng trân trọng. Với tư cách Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trần Thanh Hà luôn đi đầu trong hoạt động sáng tác, đặc biệt là đã viết được nhiều kịch bản sân khấu dài hơi. Trong vài năm trở lại đây, năm nào, Trần Thanh Hà cũng có đề cương tác phẩm tốt, được mời dự trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức - điều đặc biệt không chỉ ở Đồng Tháp mà còn ở phạm vi cả nước.

Ở lĩnh vực VHNT nào, viết tác phẩm dài bao giờ cũng khó, vì nó luôn cần một quỹ thời gian đủ nhiều, cộng với sự kiên trì và sức lao động không ngừng nghỉ của tác giả. Ở Đồng Tháp, gần như Trần Thanh Hà là một trong vài người làm được điều đó. Các kịch bản sân khấu dài của Trần Thanh Hà như: “Ngôi nhà chia hai”; “Mùa hè không êm ả”; “Lời thề”; “Đêm thất trảm”; “Người cận vệ” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của anh)... không chỉ được đánh giá cao tại Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhất là ở các trại sáng tác do hội này mở, mà còn được đón nhận nồng nhiệt ở Nam Bộ, đặc biệt là ở Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh - nơi gần như luôn “đặt hàng” các kịch bản ăn khách của Trần Thanh Hà. Trong Giải thưởng VHNT Nguyễn Quang Diêu tỉnh Đồng Tháp lần thứ IV (2015 - 2020), kịch bản “Người cận vệ” của Thanh Hà đã đạt giải A - giải thưởng cao nhất và cũng là duy nhất của lĩnh vực sân khấu. Trong dịp Lễ hội Xoài Cao Lãnh (7/2022), bài ca cổ “Hương xoài” của Trần Thanh Hà đã vang lên, không chỉ để ca ngợi, tôn vinh loại trái cây đặc sản mà còn như một lời chào đón và mời gọi du khách đến với vùng đất giàu đẹp, mến khách này của Đồng Tháp.

Ở lĩnh vực văn chương, có thể nói Trần Thanh Hà là một tác giả không quá “chuyên tâm”, nhưng là một cây bút có bản sắc và... “sát giải”. Như đã nhắc ở trên, trong nền văn chương đương đại ở Đồng Tháp, chỉ có vài 3 tác giả viết tiểu thuyết một cách đích thực, trong đó có Trần Thanh Hà, với cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người cận vệ”. Nhìn bằng góc nhìn “hiếm hoi” này, mới thấy quý trọng cây bút Trần Thanh Hà - người góp phần làm cho văn chương Đồng Tháp không “mất trắng” thể loại tiểu thuyết. Trần Thanh Hà còn có những sáng tác ký, thơ (tác phẩm ký “Về thăm vương quốc xoài”, đạt giải 3 Cuộc thi sáng tác Ký văn học đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2013...), nhưng có lẽ sung sức nhất trong mảng sáng tác văn chương của anh vẫn là thể loại truyện ngắn. Theo tôi - một người thỉnh thoảng được vinh dự đọc các tác phẩm của anh chị em hội viên Hội Liên hiệp VHNT Đồng Tháp, truyện ngắn của Trần Thanh Hà có một nét riêng khó lẫn vào người khác, từ lối hành văn (diễn đạt), cách chọn tên tác phẩm... cho đến thao tác xây dựng cốt truyện, lựa chọn chi tiết, nhân vật... Đặc biệt, truyện ngắn của Trần Thanh Hà, ngoài những khơi gợi độc đáo về phương diện nhân văn, bao giờ cũng có những mô - típ mới, lạ, nhất là những chỗ gắn với tâm linh, kinh dị, giả tưởng... Trần Thanh Hà hoàn toàn không lạm dụng các yếu tố gây sốc, gây sốt này mà ngược lại, anh đã đưa vào bằng một tỷ lệ vừa phải, như là một thủ pháp “trang trí” nhằm làm đẹp hơn tác phẩm của mình. Không tính các truyện ngắn đạt giải trong tỉnh, chỉ nêu các tác phẩm Trần Thanh Hà đạt giải ở khu vực ĐBSCL cũng đã thấy đáng nể: “Kiếp thương hồ” đạt giải Khuyến khích tại Cuộc thi thơ, truyện ngắn, ca khúc, bài vọng cổ chào mừng 10 năm TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức; “Hồn sen” đạt giải Ba tại Cuộc thi sáng tác truyện ngắn ĐBSCL năm 2019...

Ở lĩnh vực âm nhạc, cụ thể là trong phong trào sáng tác ca khúc, Trần Thanh Hà cũng đã cho thấy mình là một “tay ngang” nhưng rất có duyên gặt hái được những kết quả ngoạn mục. Ngoài viết các tác phẩm về sân khấu, văn chương, VNDG..., Trần Thanh Hà vẫn thường xuyên sáng tác ca khúc. Tác phẩm của anh thường được dàn dựng cho các đoàn văn nghệ quần chúng tham gia dự thi cấp tỉnh, cấp khu vực, thậm chí cả cấp Quốc gia. Điều đáng ghi nhận hơn cả là chính Trần Thanh Hà là 1 trong 6 tác giả ở Đồng Tháp đạt giải tại Cuộc thi sáng tác ca khúc ĐBSCL từ trước đến nay (cùng với Thai Sắc; Nguyễn Tùng; Thành Nhơn; Võ Xuân Hùng; Lê Quang Thịnh). Ca khúc của Trần Thanh Hà có lẽ còn khó tiếp nhận với số đông công chúng và cả một số đồng nghiệp khó tính, bởi chất nhạc, theo tôi là khá hiện đại và “nổi loạn” của anh. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển của thời đại, tin rằng âm nhạc của Trần Thanh Hà sẽ được đón nhận một cách nồng hậu hơn.

Ở lĩnh vực VNDG, với tư cách là hội viên Hội VNDG Việt Nam, Trần Thanh Hà đã có những tham gia tích cực trong phong trào chung, cũng như trong sáng tác. Công trình đã hoàn thành một phần của anh - “Văn hóa tín ngưỡng dân gian Đồng Tháp” - chính là một minh chứng cho sức lao động bền bỉ, sáng tạo của một cây bút đầy nỗ lực và năng động của VHNT Đồng Tháp.

Với những gì điểm qua ở trên, ta thấy, Trần Thanh Hà đúng là một cây bút đa năng. Và vì vậy, dù đã nghỉ hưu, tôi tin, anh vẫn tiếp tục sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm hay trên nhiều lĩnh vực VHNT.

THAI SẮC

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn