Tạp Bút

Ứa nước mắt nhớ về những mùa Trung thu bé thơ

Cập nhật ngày: 11/09/2016 16:32:24

Ngày bé, cứ vừa qua Vu lan là lũ trẻ con xóm tôi bắt đầu chộn rộn. Cái xóm nhỏ xíu gồm sáu căn nhà liền kề cùng một chủ sang lại cho các gia đình chọn đất Sài Gòn lập nghiệp nhưng vốn liếng lận lưng không nhiều để có thể mua nhà.


Những chiếc lồng đèn là một phần ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ - Ảnh: Gia Tiến

Sáu nhà có cái sân ximăng chung, dù mỗi sân cũng ngăn nhau bởi cái rãnh rộng khoảng... 2cm để làm vì. Cái sân vừa là nơi người lớn bắc ghế uống trà đàm đạo mỗi chiều hay cuối tuần, vừa là chỗ bọn trẻ con chơi lò cò, nhảy dây, ô quan, đá banh và đuổi bắt.

Mỗi mùa Trung thu là một ngày hội của con nít chúng tôi. Từ mấy hôm trước Trung thu, mẹ tôi và bác N. gái đã đi chợ Phú Nhuận lùng mua bưởi. Ngày đó, chưa biết năm roi, da xanh gì cả, cứ gọi chung là bưởi Biên Hòa. Bưởi mang về để dưới gầm giường.

Bà Chín, cô Tư, cô Hai Q. thì ra chợ Ông Tạ tìm mua mía lửa. Những đẵn mía cao lừng lững, màu tím than bóng loáng, chỉ nhìn thôi là đã tưởng tượng lúc cắn ngập răng vào những khúc mía cắt gọn, nước ngọt sẽ tươm chảy vào miệng như thế nào.

Sáng Trung thu chúng tôi đi học bình thường, ở nhà người lớn chuẩn bị mọi thứ cho cỗ Trung thu buổi tối. Ông nội tôi, bố tôi và các bác trai xem lại những dây thép phơi quần áo ở sân có đủ chắc chắn cho buổi tối treo lồng đèn không.

Các bà mẹ tuốt mía, cắt lọn và bày thành tháp mía cao lừng lững. Bà nội và bà cô tôi bóc vỏ bưởi, tách múi và khéo léo tạo hình con rồng quấn quanh tháp mía. Ngoài bưởi và mía, còn có vô số những con thú bằng bột, những cái bánh Trung thu nhỏ xinh và những con lợn bánh nướng bóng nhẫy.

Đến chiều Trung thu (thường là 14 âm lịch) nếu trời không mưa, những chiếc đèn lồng của mỗi đứa sẽ được gắn nến sẵn, trời sụp tối hẳn là lên đèn, rồi rồng rắn kéo nhau ra ngôi trường tiểu học Cơ Đốc ở gần nhà rước đèn với những đứa bé xóm trên.

Khắp các con phố nhỏ vang vang tiếng hát bài Trung thu: “Đèn ông sao với đèn cá chép... đèn thiên nga với đèn bươm bướm... em rước đèn cùng đón trăng rằm”, rồi nào là “tùng rinh rinh cắc tùng rinh rinh...” và nhớ nhất là câu “ngọt thơm như bánh dẻo bánh nướng, ngọt cay như mứt gừng, mứt bí...”.

Rước đèn vòng hết cái sân cỏ rộng, hát hò vừa khan giọng là rời trường về lại xóm. Đến lúc này ngày hội mới thật sự vào cao điểm. Lồng đèn được treo trên dây thép, người lớn, trẻ con xúm xít xem bàn cỗ chung được bày.

Rồi người lớn thưởng trà, trò chuyện, trẻ con xúm lại với nhau chơi đủ trò... đến khi số nến chuẩn bị cho đêm hội cạn, đèn tắt hết thì sau hiệu lệnh chung, bọn trẻ con nhào đến bàn cỗ chung để phá cỗ. Lạ là phá cỗ rất hỗn loạn nhưng đứa nào cũng có phần và hỉ hả với phần phá cỗ của mình.

Lúc bấy giờ người lớn mới bật đèn sáng, hạ tháp bưởi, chia cho trẻ con, rồi bắt đầu cắt bánh mời nhau... Khi trăng đã lên cao lắm, tiệc Trung thu mới tàn, ai về nhà nấy. Mớ lồng đèn vẫn để lại trên dây, vì hội rước đèn còn kéo dài cho đến khi trăng Trung thu không tròn nữa hoặc mưa kéo dài.

Giờ đây, càng gần Trung thu, mỗi chiều đi làm về, tôi thấy càng nhiều chiếc xe hối hả chở từng chồng hộp bánh chạy vun vút. Những gương mặt người lớn căng thẳng bước vào cửa hàng có tiếng về bánh Trung thu để chọn, mà không cần hỏi cũng biết luôn họ không mua bánh cho trẻ con. Còn với trẻ con bây giờ, cái vị ngọt béo của bánh Trung thu, cái lấp lánh của chiếc lồng đèn chưa hẳn đã đủ lôi cuốn...

Một buổi tối tháng 8 đi làm về muộn, ngước lên nhìn trăng đang dần tròn hơn, bất chợt ứa nước mắt nhớ về những Trung thu bé thơ của mình.

Tôi không chắc do mình già đi, do ông bà tôi, rồi bố mẹ tôi lần lượt khuất bóng, hay sáu gia đình láng giềng thân thiết theo thời cuộc đã tản mát đi hết, mà càng ngày Trung thu với tôi càng nhòa nhạt, ngay cả miếng bánh Trung thu tôi ăn, giờ cái vị ngon ngọt của nó như trong bài hát năm nào cũng không còn nữa...

Lâm Minh Trang/TTO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn