Công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm gặp khó khăn

Cập nhật ngày: 19/04/2013 05:44:24

Ý thức của người dân trong việc phòng, chống dịch cúm gia cầm chưa cao và hàng loạt những bất cập từ chuyện mua bán, giết thịt đến thả nuôi gia cầm tràn lan..., làm cho dịch cúm A H5N1 ở Đồng Tháp có thể bùng phát bất cứ lúc nào.


Tập quán nuôi vịt chạt đồng có thể làm lây lan dịch cúm gia cầm
trên địa bàn tỉnh

Đến xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh vào ngày 14/4, dù cái chết của nạn nhân bị nhiễm cúm A H5N1 không còn nóng như những ngày trước, nhưng trên từng nét mặt của nhiều người vẫn còn đầy lo lắng. Ở địa phương này, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì hiểu biết và ý thức của người dân còn thấp khi người dân vẫn vô tư vứt xác gia cầm chết xuống sông, bất chấp đó là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của hàng trăm hộ dân và mang nguy cơ phát tán mầm bệnh khắp nơi. Tại đoạn kênh K6 thuộc ấp 3, xã Tân Hội Trung, chúng tôi phát hiện xác 1 con gà nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Thấy chúng tôi giơ máy ảnh chụp, bé Nguyễn Thị Phi Yến (11 tuổi) tình nguyện lấy xuồng bơi đưa ra giữa dòng kênh để chụp ảnh và nói: “Ở đây, con gặp xác gà, vịt chết hoài chứ gì. Mới cách nay mấy ngày thôi, con tắm dưới sông thấy có con vịt chết, bốc mùi ghê lắm”.

Theo Chi cục Thú y tỉnh thì xã Tân Hội Trung và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh đang là trung tâm dịch bệnh và nguồn bệnh sẵn có từ 5-10% lưu hành vi-rút cúm trên gia cầm. Có thể nói nguy cơ lây lan, bùng phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh đang đến hồi “báo động” nhưng nhiều người vẫn tỏ ra thiếu ý thức trong phòng, chống dịch bệnh.

Tại khu vực bán gà vịt của chợ thành phố Cao Lãnh, người ta vẫn ngang nhiên thực hiện việc giết mổ gà, vịt mà không cần đeo khẩu trang, găng tay. Khi tôi hỏi về cúm A H5N1, chị Tống Thu Nguyệt đang làm gà bán cho khách tỏ ra bực bội: “Đeo khẩu trang, găng tay làm gì. Tôi làm thế này (không cần khẩu trang và găng tay) quen rồi. Tôi ở đây lâu rồi, có thấy cúm gì đâu, có ai chết gì đâu”.


Gà chết được vứt xuống kênh K6, ấp 3, xã Tân Hội Trung
(ảnh chụp vào ngày 14/4/2013)

Tại một hộ buôn bán gia cầm khác tại chợ, khi tôi đề cập đến cúm gia cầm, bà này tức giận: “Tui là người bán gia cầm sống, có bệnh là tui bệnh trước. Chết là chết 7, 8 năm nay rồi”.

Đi dọc theo Quốc lộ 30 về các huyện đầu nguồn. Do lúa hè thu đã được gieo sạ nên người dân thả nuôi vịt chạy đồng không còn nhiều như trước. Đa số người nuôi vịt đồng đều không biết thông tin về cúm A H5N1 đã xảy ra.

Anh Phan Tấn Huy ở ấp Trung, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình) cho biết: “Mấy anh em tui thả nuôi trên 2.000 con vịt. Bữa trước có cán bộ thú y đến kiểm tra, tiêm phòng, còn dịch cúm gia cầm thì chưa nghe nói”. Tương tự, tại ấp Long Châu, xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự, anh Lê Văn Tài đang nuôi hơn 1.000 con vịt chạy đồng nói: “Tui ngủ ngoài đồng để coi vịt, nên có nghe gì về dịch cúm đâu”.

Sau trường hợp xảy ra cái chết của bé Nguyễn Duy Hoàng Huy ở xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh đã có nhiều động thái để phòng, chống dịch bệnh như tăng cường tuyên truyền, tiêm phòng cho đàn gia cầm, kiểm dịch y tế và kiểm tra tình trạng buôn bán vận chuyển gia cầm khu vực biên giới... Tuy nhiên, nỗi lo về dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn rất lớn vì việc phòng, chống dịch bệnh còn rất khó khăn.

Đến huyện Tân Hồng tìm hiểu, anh Đỗ Thanh Ngọc - Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, việc nuôi thả vịt chạy đồng đang là nỗi lo của địa phương. Trong tổng số 250 ngàn con gia cầm trên địa bàn huyện thì có đến hơn 90% là vịt chạy đồng. Qua khảo sát, nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ vi-rút lưu hành trong đàn vịt vẫn rất cao. Điều này có thể gieo rắc mầm bệnh khắp nơi.

Anh Ngọc ngao ngán: “Toàn huyện có đường biên giới giáp Campuchia dài 20km, chưa kể khu vực giáp với huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Thế nhưng, mỗi xã hiện chỉ có một cán bộ thú y nên rất khó quản lý”.

Tính đến ngày 6/4, toàn tỉnh đã tiêm phòng cúm gia cầm gần 269 ngàn con gà, đạt tỷ lệ hơn 58% tổng đàn và hơn 385 ngàn con vịt (tiêm mũi 2) đạt hơn 73% tổng đàn. Biện pháp phòng ngừa là thế nhưng việc phòng, chống dịch cúm gia cầm của tỉnh đang gặp khó khăn.

Ông Võ Bé Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Khó khăn nhất trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiện nay là ý thức người dân còn rất thấp, khi nào có dịch bệnh xảy ra mới chịu tiêm phòng. Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi của người dân còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, rất khó quản lý và kiểm soát nên dịch bệnh rất dễ lây lan”.

Trong chuyến làm việc tại Đồng Tháp, PGS.TS Trần Đắc Phu - Phó cục Trưởng Cục Y tế dự phòng - kiêm Phó Chủ tịch Hội Y tế cộng đồng Việt Nam cho biết: “Trong thời điểm này, người dân không nên quá hoang mang mà phải có ý thức chủ động phòng, chống dịch. Ngành y tế tỉnh Đồng Tháp phải xây dựng một kế hoạch cụ thể và đột xuất trong giải quyết tình hình dịch cúm. Đặc biệt, phải đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân hiểu rõ các mối nguy hại của dịch cúm để từ đó triển khai tốt công tác phòng chống. Chỉ có giải quyết tình hình dịch cúm trên gia cầm mới giải quyết được dịch cúm trên người. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng”.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn