Để Luật Công Đoàn năm 2012 đi vào cuộc sống
Cập nhật ngày: 23/01/2013 05:23:21
Luật công đoàn (CĐ) năm 2012 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Luật CĐ năm 2012 đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", đảm bảo để CĐ thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ, chăm lo cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).
Tập huấn Luật công đoàn năm 2012
Luật CĐ năm 2012 có nhiều điểm mới, là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng cho CĐ Việt Nam tổ chức thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị đất nước, phát huy vai trò, tác dụng và ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống chính trị - xã hội. Xuất phát từ thực tiễn của địa phương, ngành và nhất là ở công đoàn cơ sở (CĐCS), để đưa Luật CĐ năm 2012 vào cuộc sống cần tập trung một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh coi trọng công tác tuyên truyền Luật nhằm trang bị nhận thức và tạo sự thống nhất hành động đến các cấp, các ngành và người lao động (NLĐ), điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thi hành Luật CĐ. Muốn vậy, LĐLĐ tỉnh phải có kế hoạch phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền Luật CĐ đến các cấp chính quyền, người sử dụng lao động (NSDLĐ) các thành phần kinh tế và CNVCLĐ. Tránh tình trạng chỉ tuyên truyền trong nội bộ tổ chức CĐ, dẫn đến nhận thức sai lệch việc thi hành Luật CĐ là nhiệm vụ riêng của tổ chức CĐ. Kế hoạch tuyên truyền Luật CĐ cần đưa vào kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật chung của tỉnh giai đoạn 3 năm hoặc 5 năm, chú trọng hình thức, biện pháp tuyên truyền. Riêng trong hệ thống tổ chức CĐ cần phấn đấu tuyên truyền cho 100% cán bộ CĐ cấp trên cơ sở và Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS; 80% ủy viên Ban Chấp hành CĐCS, tổ trưởng, tổ phó CĐ doanh nghiệp (DN) các thành phần kinh tế.
Thứ hai, Các cấp CĐ trong tỉnh phải cụ thể hóa các quy định của luật vào phương hướng, nhiệm vụ công tác CĐ nhiệm kỳ (2013 - 2018) và đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và Luật CĐ nói riêng để mọi người thực hiện tốt.
Hiện nay đã tổ chức Đại hội xong các CĐ cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội IX CĐ tỉnh, Đại hội XI CĐ Việt Nam. Luật CĐ năm 2012 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã tạo sinh khí mới cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động CĐ. Nhiệm vụ trọng tâm của các cấp CĐ hiện nay là tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật CĐ năm 2012. Cán bộ CĐ phải tích cực nghiên cứu, nắm vững và cụ thể hóa quy định của Luật CĐ năm 2012 vào mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới, nhằm phát triển tổ chức CĐ trong giai đoạn mới.
Đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động, đảm bảo hoạt động CĐ phù hợp với tình hình hiện nay. Thực hiện có hiệu quả vai trò của tổ chức CĐ trong quan hệ lao động cũng như vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc hỗ trợ CĐCS và đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) ở những nơi chưa có tổ chức CĐCS; phát huy hiệu quả việc sử dụng các quyền CĐ theo quy định của Luật CĐ. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐCS DN các thành phần kinh tế để đáp ứng vai trò, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thực hiện tốt cơ chế bảo vệ cán bộ CĐCS, nhất là đối với cán bộ CĐ không chuyên trách ở các DN vừa phải thực hiện trách nhiệm đối với NSDLĐ, vừa có trách nhiệm thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Trong quan hệ với NSDLĐ, cán bộ CĐ luôn ở vị trí yếu thế, tuy nhiên, cơ chế bảo vệ cán bộ CĐ được cụ thể hóa, chặt chẽ hơn để cán bộ CĐ yên tâm làm nhiệm vụ; việc sa thải, chấm dứt hợp đồng hoặc chủ DN gây khó, không tạo điều kiện để NLĐ tham gia hoạt động CĐ đã có Luật CĐ bảo vệ.
Do đó, CĐ các cấp trong tỉnh sớm đưa Luật CĐ năm 2012 vào thực tiễn đời sống, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đoàn viên, CNVCLĐ. Hiểu luật để thực hiện đúng và tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng chính là góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Thứ ba, Các cấp CĐ phối hợp với các ngành chức năng, tham gia với NSDLĐ thực hiện tốt quy định của pháp luật tạo điều kiện vật chất để tổ chức CĐ thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ CĐ.
Luật CĐ năm 2012 quy định, tất cả các cơ quan, tổ chức, DN thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt có hay chưa có tổ chức CĐCS đều phải có nghĩa vụ trích kinh phí CĐ bằng 2% tính trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức CĐ thu đủ, thu đúng nguồn kinh phí CĐ theo Luật CĐ quy định. Trong thời gian qua, thu kinh phí CĐ trong các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài nơi có tổ chức CĐ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thất thu, nhiều DN không trích nộp kinh phí CĐ.
Việc không thu được kinh phí CĐ có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do pháp luật hiện hành chưa có biện pháp chế tài đủ mạnh đối với các DN trốn tránh, trì hoãn, trích nộp không đầy đủ hoặc không trích nộp kinh phí CĐ. Nội dung chi tài chính CĐ phần lớn để chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ... Do đó, để thống nhất việc thu kinh phí CĐ trong phạm vi cả tỉnh, tổ chức CĐ cần phối hợp liên tịch với cơ quan chức năng như Sở Tài chính, Cục Thuế để tổ chức thu và phân phối kinh phí CĐ đúng quy định.
HT