Điều trị nhiễm trùng - bệnh nhân bức xúc

Cập nhật ngày: 17/08/2012 13:11:53

Vừa qua, Báo Đồng Tháp có tiếp nhận thông tin của chị Lê Thị Thắm - ngụ tại khóm 2, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười. Chị Thắm phản ánh tập thể y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Khu vực (BVĐKKV) Tháp Mười (những người đã trực tiếp nhận bệnh, phẫu thuật, điều trị bệnh cho con chị) về việc y, bác sỹ bệnh viện không chẩn đoán đúng bệnh, phẫu thuật không đúng, dẫn đến con chị bị nhiễm trùng xương nặng. Từ nguồn tin trên, chúng tôi đã tìm hiểu sự việc.


Em Phạm Thế Vinh với vết thương ở chân

Theo lời của chị Thắm, ngày 27/4/2012, cháu Phạm Thế Vinh (con trai chị Thắm) sinh năm 1999 đến sân cỏ nhân tạo Hoa Viên chơi thì con của người chủ sân (tên Nhựt) nhờ ra phía sau bắt gà. Khi bắt gà, cháu Vinh đứng dậy chạm vào tấm tôn nên bị điện giật té ngã, sau đó được chở đến BVĐKKV Tháp Mười cấp cứu. Khi chị Thắm đến gặp con thì thấy vết thương dập nát, lòi xương. Nóng ruột vì tình trạng của con, chị Thắm có xin bệnh viện chuyển lên tuyến trên nhưng được bác sỹ khuyên ở lại bệnh viện để tiếp tục điều trị. Ngày hôm sau (ngày 28/4/2012), bệnh viện phẫu thuật và điều trị đến 17/5/2012, cháu Vinh có giấy ra viện và về nhà, hàng ngày đến khoa Ngoại của bệnh viện để rửa vết thương. Đến ngày 24/5/2012, bác sỹ Ngoại khoa cho con chị Thắm nhập viện lại để điều trị với lý do vết thương bị nhiễm trùng chỗ mổ. Cháu Vinh lại nằm viện điều trị đến ngày 11-6-2012 thì có giấy ra viện. Trong lần thứ 2 nằm viện điều trị, trước khi được ra viện, chị Thắm có đề nghị cho con chị chụp hình lại vết thương nhưng không được chấp nhận (với lý do vết thương đã lành) kèm theo lời dặn hàng ngày tiếp tục chở cháu đến bệnh viện để rửa vết thương thêm 5 ngày nữa.

Về nhà 2 ngày chị Thắm thấy vết thương có vẻ không ổn nên nhờ khám lại thì được biết vết thương có dấu hiệu nhiễm trùng. Chị Thắm có liên hệ xin chụp hình lại vết thương nhưng bác sỹ bảo vết thương đã lành, không cho chụp hình.

Không yên tâm nên ngày 13/6/2012 chị đưa con lên BVĐK Đồng Tháp, tại đây sau khi kiểm tra, bác sỹ cho biết vết thương bị nhiễm trùng nên cho chụp hình hẹn đến ngày 15/6/2012 nhận kết quả. Trong khi chờ kết quả của bệnh viện tuyến tỉnh, chị Thắm trở về bệnh viện Đa khoa Tháp Mười để xin làm giấy chuyển viện lên thành phố Hồ Chí Minh để điều trị (kết quả tại BVĐK Đồng Tháp chẩn đoán cháu Vinh bị nhiễm trùng, nhập viện mổ gấp). Quá mệt mỏi và mất lòng tin, chị Thắm đã đưa cháu Vinh điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Sài Gòn-ITO thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 16/6/2012 đến ngày 26/6/2012 thì ra viện. Chị Thắm bức xúc cho biết: “Sau 2 lần nhập viện với 49 ngày điều trị nội trú và một tuần điều trị ngoại trú nhưng vết thương cũng bị nhiễm trùng. Nếu tôi không hối thúc cho chuyển viện thì mọi hậu quả gia đình tôi phải gánh chịu”. Chị Thắm đã búc xúc gửi đơn khiếu nại BVĐKKV Tháp Mười đã làm gia đình chị tốn tiền và mất nhiều thời gian.

Thắc mắc của chị được BVĐKKV Tháp Mười phản hồi: Bệnh viện đã rà soát lại từ khâu đón tiếp đến việc cấp cứu điều trị bệnh nhân tại khoa Ngoại, sau đó chăm sóc dưỡng thương chu đáo tận tình. Tuy nhiên, do tính chất của vết thương gãy hở độ 3 cố định bằng nẹp vít, nguy cơ nhiễm trùng rất cao (trong vết thương ngoại khoa có tỉ lệ cho phép nhiễm trùng và do đó thời gian điều trị thường phải kéo dài - đó là đặc thù của ngành chấn thương chỉnh hình).

Trong buổi trao đổi thực tế tại bệnh viện, Ban Giám đốc BVĐKKV Tháp Mười cũng khẳng định, trường hợp của con chị, bệnh viện có thể điều trị khỏi. Do chị nôn nóng đòi chuyển viện nên bệnh viện đã đồng ý chuyển lên tuyến trên theo ý muốn của gia đình.

Hôm chúng tôi đến cháu Vinh ngồi buồn thiu với cây nạn gỗ, em và gia đình sắp lên thành phố Hồ Chí Minh tái khám. Với cháu Vinh và gia đình chị Thắm vết thương rồi sẽ lành, tiền bạc sẽ có thể kiếm lại được nhưng lòng tin của bệnh nhân đối với bác sỹ thì chắc sẽ khó tìm được.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn