Huyện đầu nguồn chống chọi với lũ

Cập nhật ngày: 07/10/2013 05:13:43

Chúng tôi có mặt tại khu đê bao bảo vệ 2.600 ha lúa (thuộc xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) đúng lúc nhiều người đang khẩn trương khuân đất tôn cao mặt đê. Hiện mực nước bên ngoài khu đê này có nơi thấp hơn mặt đê khoảng 50cm, nhưng bà con vẫn chưa thực sự yên tâm sẽ ăn chắc vụ lúa này.


Dùng bao đất xử lý đoạn đê sụp lún

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Tháp, nước lũ tại khu vực đầu nguồn đang lên, đạt đỉnh vào khoảng từ ngày 6 - 8/10 và ở mức báo động cấp III. Đáng lưu ý là 2 đoạn đê bao với tổng chiều dài khoảng 80m có hiện tượng sụp lún do nền đất yếu, đòi hỏi việc gia cố, bảo vệ đê là vô cùng cần thiết.

Những ngày cuối tháng 9 và đầu tháng 10, mực nước tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự mỗi ngày lên trên 10cm kèm theo mưa khiến nhiều người dân có diện tích trồng lúa trong khu đê bao bảo vệ 2.600 ha lúa không khỏi lo lắng. Năm nay, anh Nguyễn Văn Thi ngụ ấp Trung, xã Thường Thới Tiền mướn 15 công đất và đây là lần đầu tiên làm lúa vụ ba với hy vọng sau khi thu hoạch anh sẽ để dành được một khoản tiền kha khá để năm tới mướn thêm đất làm. Ngồi nhìn con nước dâng cao ngoài đê và trời chuyển mưa đen kịt, anh Thi không khỏi lo lắng: “Thấy đê bao tương đối an toàn nhưng tôi vẫn lo vì nước đang lên nhanh và lo nước triều cường mùng 1/9 (âm lịch) lên cao ảnh hưởng đến đê”.

Để đảm bảo khu đê bao được kiên cố cho người dân an tâm sản xuất, mấy hôm nay chính quyền địa phương cùng đơn vị thi công đê bao tiến hành gia cố bảo vệ đê. Ông Nguyễn Chấp Kinh - Phó Giám đốc Công ty Tư vấn Phố Hiến (đơn vị thiết kế khu ô bao 2.600 ha) cho biết, khu đê bao có tổng chiều dài 11km, xây dựng đầu năm 2013. Toàn bộ đê bao bảo đảm khả năng chống lũ, hiện đê bao còn trong giai đoạn bảo hành, trong 3 gói thầu có gói thầu số 2 chưa nghiệm thu, do nền đất yếu, không có phần đất chân, khi đắp đất lên thì bị sụp lún với tổng chiều dài khoảng 80m.


Bơm nước chống úng cho lúa

Để xử lý sự cố này, đơn vị đã cho khoan địa chất, đánh giá điều kiện địa chất và tiến hành cho xử lý đắp cơ, đóng cọc, cho trải vải mũ lên đoạn đê bị sụp lún, đồng thời đắp 4.000 bao đất nâng mặt nền đê. Đến thời điểm này, nhìn chung khu đê bao được an toàn. Đây là công tác dự phòng để phòng nước tiếp tục lên, trong đó có con nước triều cường mùng 1/9.

Ngoài ra để bảo vệ tuyến đê bao này, Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão xã Thường Thới Tiền đã thành lập 3 chốt trực bảo vệ đê bao 24/24, mỗi chốt có 15 thành viên gồm trưởng và phó Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão xã, lực lượng Xã đội, Công an,... Mỗi chốt cũng chuẩn bị 1 kobe, 5 phà, 4 xe tải nhỏ, 2.000 bao sẵn sàng khi có tình huống xấu để chở bạch đàn, bao cát khắc phục đê. Đồng chí Phan Văn Trọng - Bí thư Đảng ủy xã Thường Thới Tiền trực đê bao vào đêm 3/10 cho biết, mực nước ngoài đê bao lên không đáng kể, tuyến đê hiện an toàn, nhưng để đề phòng xử lý tình huống xấu xảy ra, lực lượng luôn túc trực tại các chốt. Dự kiến đến ngày 13/10 có 60% diện tích lúa trong ô bao sẽ được thu hoạch, đến 28/10 sẽ thu hoạch 100%.

Trước tình hình nước lũ đầu nguồn diễn biến phức tạp, việc chính quyền nơi đây tập trung ra sức bảo vệ đê bao để người dân yên tâm sản xuất là hết sức cần thiết và được bà con nông dân đồng tình cao.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn