Không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo

Cập nhật ngày: 26/12/2012 14:06:21

Tại xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, một bộ phận người dân vẫn không muốn thoát nghèo chỉ vì có tâm lý ỷ lại: là hộ nghèo để được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người nghèo như: bảo hiểm y tế, học phí, cứu trợ,...


Nhà cửa ổn định nhưng bác Nguyễn Văn Thanh vẫn mong
được tiếp tục là hộ nghèo (?)

Để tìm hiểu cuộc sống những hộ không muốn thoát khỏi danh sách hộ nghèo, chúng tôi tìm đến 1 số hộ ngụ ấp Anh Dũng, xã Tân Thành A. Suốt 3 năm nay, hộ bác Nguyễn Văn Thanh có tên trong danh sách hộ nghèo của ấp. Mới đây, sau khi tiến hành điều tra, rà soát và họp xét, Ban nhân dân ấp đã đưa hộ bác Thanh vào danh sách hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, gia đình này kiên quyết phản đối. Khi được hỏi vì sao bác nghĩ gia đình mình vẫn còn nghèo? Đang ngồi nhậu, bác Thanh bảo: “Tôi cất nhà còn thiếu 30 triệu đồng chưa có trả cho người ta nên thấy gia đình mình còn nghèo”.

Tháng 11 vừa qua, bác Thanh cất được ngôi nhà khá khang trang nằm trên tuyến dân cư bờ nam Tân Thành A trị giá 130 triệu đồng. Hiện gia đình bác có 4 thành viên, trong đó 1 người đi làm công nhân, ngoài đi làm mướn, vợ chồng bác còn nuôi 1 con bò nái và 4 bò con, cuộc sống gia đình khá sung túc, bên trong ngôi nhà trang bị đầy đủ ti vi, đầu đĩa, tủ,...

Một người hàng xóm nhà bác Nguyễn Văn Thanh nói: “Ở đây ai cũng biết nhà anh Thanh không còn khó khăn, vậy mà anh ấy không chịu thoát nghèo. Việc này thiệt không nên”.

Đến hộ chị Huỳnh Thị Lal, ngụ ấp Anh Dũng, chúng tôi thấy cuộc sống gia đình này cũng khá sung túc. Mặc dù mọi người trong gia đình chị đang ngủ trưa nhưng âm thanh từ cặp loa của dàn máy nghe nhạc phát ra cùng lúc với âm thanh của chiếc ti vi trong nhà vang khắp xóm. Trò chuyện với chúng tôi, chị Lal cho biết, gia đình chị có hoàn cảnh khó khăn được xã xét hộ nghèo từ năm 2008. Hiện gia đình làm 5 công đất ruộng thuê, đồng thời nuôi 2 heo nái cùng 8 heo con. Ngoài ra, trung bình mỗi ngày chồng chị Lal đi làm thuê kiếm được 70.000 đồng.

Xét về mặt kinh tế, gia đình chị Lal cũng có cuộc sống ổn định như bao gia đình có mức sống trung bình khác. Tuy nhiên, vợ chồng chị Lal đều không muốn thoát nghèo. Chị Lal nói: “Người ta thấy nhà tôi cất bự quá nên xét sang năm cho thoát nghèo. Tôi không đồng ý thoát nghèo, đâu có công đất nào đâu mà kêu tôi thoát nghèo”.

Ông Võ Văn Rèn, Bí thư Chi bộ ấp Anh Dũng cho biết. Trong quá trình họp bình xét hộ nghèo, hộ nào cũng muốn mình tiếp tục có trong danh sách hộ nghèo để được hưởng nhiều chính sách. Tuy nhiên, khi niêm yết danh sách hộ thoát nghèo, chỉ một vài hộ phản ứng.

Theo ông Trang Văn Cửa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành A, xã có 6 ấp, 2.766 hộ, có gần 480 hộ nghèo, đa phần người dân sống bằng nghề nông, trong đó hầu hết hộ nghèo làm thuê lĩnh vực nông nghiệp. Trong quá trình xét hộ thoát nghèo, xã xét đúng theo tiêu chí mới. Có 4 hộ đến UBND xã trình bày không rõ vì sao thoát nghèo, cán bộ xã đã giải thích các tiêu chí bình xét hộ nghèo cho người dân nắm rõ, hầu hết mọi người không còn đến UBND xã phản ánh.

Cũng theo ông Trang Văn Cửa, thời gian tới, Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo xã tiếp tục kiểm tra, rà soát toàn bộ số hộ nghèo trên địa bàn xã, nếu phát hiện hộ nào không chí thú làm ăn, trông chờ ỷ lại sẽ họp dân lại nhằm tuyên truyền, giáo dục để họ tự vươn lên.

Thực tế cho thấy, ngoài những hộ đang gặp khó khăn thật sự thì vẫn còn một bộ phận hộ dân có mức sống trung bình, thu nhập ổn định nhưng vẫn muốn được nằm trong danh sách hộ nghèo để được hưởng nhiều chính sách. Để người dân thật sự quyết tâm thoát nghèo, địa phương cần tiếp tục giải thích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân nắm rõ các tiêu chuẩn công nhận hộ nghèo.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn