Lòng dân Đồng Tháp hướng về đất Tổ
Cập nhật ngày: 19/04/2013 05:53:04
Hàng năm, cứ trước giỗ Tổ Hùng Vương hai ngày (giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch), không ai bảo ai, bà con trong và ngoài xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò đến Đình thần Tân An Trung - nơi có bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương dọn dẹp vệ sinh, cùng Ban tế tự đình lo chuẩn bị ngày giỗ Tổ.
Thi gói bánh chưng dâng lên vua Hùng
Các em học sinh trên địa bàn xã Tân Khánh Trung quét dọn lá cây trong sân đình, những người cao tuổi và thanh niên treo cờ phướn, cờ hội, băng rôn trên các tuyến đường gần đình và sơn sửa lại trống đình.
Bác Võ Văn Phước - Trưởng Ban tế tự Đình thần Tân An Trung cho biết, năm nay là tròn 20 năm Đình tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương, hội thi gói bánh chưng cũng được tổ chức quy mô hơn so với những năm trước. Hội thi bắt đầu từ sáng mùng 9/3, các đội đại diện 13 xã, thị trấn của huyện Lấp Vò cùng nhau gói 10 chiếc bánh chưng, mỗi chiếc nặng khoảng 0,5kg để sáng hôm sau dâng lên bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương.
Từ 5 giờ sáng mùng 10/3, Ban tế tự Đình thần Tân An Trung đã tiến hành lễ nghênh sắc, sau đó làm lễ giỗ Tổ tại đình, thắp hương tưởng niệm các vị vua Hùng, dâng lên bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương các loại trái cây, bánh chưng và những phẩm vật khác. Đình thần Tân An có tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương vào dịp cúng Kỳ yên hạ điền, vì thế mà vào ngày này có hàng ngàn bà con gần xa mang vật phẩm đến cúng viếng bày tỏ lòng thành kính.
Anh Nguyễn Văn Tài (sinh năm 1966) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung bộc bạch: “Năm nào vợ chồng tôi cũng đến dọn dẹp, trang trí đình sạch đẹp, sau đó thắp nhang cúng vua Hùng để tỏ lòng nhớ về quê cha đất tổ và cầu nguyện các vị phù hộ mạnh giỏi làm ăn sinh sống”.
Nhiều năm liền, tại Trường Đại học Đồng Tháp, Trường THCS Hùng Vương (thị xã Sa Đéc) và nhiều cơ sở thờ tự khác đúng mùng 10/3 cũng đều tổ chức lập bàn thờ dâng hương tưởng nhớ vua Hùng, có nơi còn tổ chức lễ hội.
Nói về tục thờ cúng vua Hùng tại Đồng Tháp, thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đến nay trên địa bàn tỉnh không có đền thờ vua Hùng nhưng nhiều nơi thờ tự đã lập bàn thờ thờ cúng. Người dân Đồng Tháp có người tận tay thắp nhang dâng lên bàn thờ vua Hùng, có người thể hiện lòng nhớ ơn qua nội tâm, cung cách ăn nói bằng cách khi nhắc chuyện xưa thường nhắc đến vua Hùng.
Dù thể hiện lòng tri ân bằng cách này hay cách khác thì trong nội tâm của người dân Đồng Tháp cũng chất chứa tình cảm dạt dào hướng về quê cha đất tổ.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, mới đây, Unesco công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”, là điều có ý nghĩa sâu sắc trong việc tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị văn hóa từ ngàn đời, tôn vinh thêm uy tín, tầm ảnh hưởng đối với dân tộc Việt Nam. Người dân cả nước nói chung, người dân Đồng Tháp nói riêng rất vui mừng khi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lòng tri ân, kính trọng tưởng nhớ các vị vua Hùng của người dân Đồng Tháp đã thật sự vượt qua được ranh giới vùng, miền để dù ở xa quê hương đất tổ nhưng người con xứ sở sen hồng vẫn luôn một lòng vọng ngưỡng các vị vua Hùng có công giữ nước.
Hữu Nghĩa