Nhiều giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
Cập nhật ngày: 24/12/2022 06:29:08
ĐTO - Năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống mại dâm (MD) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời ban hành các kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống MD năm 2022; phối hợp tuyên truyền gắn với duy trì các mô hình hiệu quả về phòng ngừa MD, góp phần kéo giảm tệ nạn MD.
Ra mắt mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” tại huyện Tam Nông
Sở LĐ-TB&XH, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống tệ nạn xã hội, MD cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Sở LĐ-TB&XH thực hiện 12 chuyên trang tuyên truyền Phòng, chống tệ nạn xã hội trên Báo Đồng Tháp, tập trung nhiều nội dung tuyên truyền về công tác phòng ngừa tệ nạn MD. Phối hợp tổ chức tuyên truyền được 1.477 cuộc, cho hơn 64.800 lượt người tham dự; tổ chức cho 643 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, karaoke... ký cam kết không vi phạm pháp luật về MD; lồng ghép tuyên truyền đối với học sinh vào buổi chào cờ đầu tuần, thu hút 4.500 lượt học sinh tham gia. Ngoài ra, Trường Trung cấp Tháp Mười và Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp phối hợp Công an huyện, thành phố tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho gần 500 lượt học viên của 2 đơn vị... Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng, góp phần đưa nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn MD trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
Hiện nay, toàn tỉnh có 926 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD như: nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ, nhà hàng karaoke, massage... Trong năm 2022, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD” tại TP Cao Lãnh và huyện Lai Vung. Đồng thời tổ chức nhân rộng mô hình tại các huyện: Thanh Bình, Châu Thành, Tam Nông. Sở LĐ-TB&XH phối hợp các ngành liên quan tổ chức truyền thông, tọa đàm, đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước, chủ sử dụng lao động và đại diện người lao động về đảm bảo quyền của người lao động; nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở trong việc đảm bảo quyền của người lao động. Qua triển khai mô hình, các cơ sở kinh doanh dịch vụ chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật và không phát hiện cơ sở vi phạm.
Bên cạnh ngành LĐ-TB&XH, lực lượng Công an trong tỉnh cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra, đấu tranh, triệt phá hoạt động liên quan đến MD. Trong năm, lực lượng Công an trong tỉnh đã phối hợp triệt xóa 24 vụ liên quan đến hoạt động MD, bắt 111 đối tượng, tạm giữ số tiền 4,2 triệu đồng. Đến nay, lực lượng chức năng đã khởi tố 2 vụ, 2 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 20 vụ, 87 đối tượng, với số tiền hơn 189 triệu đồng; đang xác minh nhân thân 22 đối tượng để tiếp tục xử lý.
Tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn MD, thời gian tới, Sở LĐ-TBXH tiếp tục phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống MD các cấp. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và vận động Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, MD. Quản lý chặt chẽ địa bàn và các hoạt động kinh doanh dịch vụ, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật; tổ chức các đợt truy quét, triệt phá các đối tượng MD trá hình; duy trì và nhân rộng hoạt động mô hình “Hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn MD”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống tệ nạn MD.
P.L