Tiếp sức cho người nghèo

Cập nhật ngày: 25/07/2012 14:51:30

Năm 2011, tỉnh thí điểm triển khai dự án xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo xã Tân Bình, huyện Thanh Bình giai đoạn 2011-2015. Dự án đã hỗ trợ vốn cho 53 hộ nghèo chí thú làm ăn, tạo điều kiện để các hộ phát triển sản xuất. Chúng tôi đã có dịp đến thăm thực tế một số hộ sau gần 1 năm thực hiện dự án.


Chị Thía kỳ vọng từ đàn bò sẽ giúp chị hết nghèo

Hộ ông Lê Văn Tràng, ngụ ấp Tân Phú A, xã Tân Bình - một trong 53 hộ tham gia dự án cho biết: Trước đây cả nhà ông 4 người chỉ biết đi làm mướn. Nhờ có vốn vay 12 triệu đồng từ dự án, ông thuê 3 công đất làm rẫy (giá thuê 4 triệu đồng/công). Vụ đầu ông trồng bắp, sau 2,5 tháng thu hoạch, trừ chi phí, mỗi công lãi 3 triệu đồng. Thấy lãi chưa nhiều, ông chuyển sang trồng bầu. Không may, bầu bị bệnh chết nhiều, vụ này chỉ huề vốn, lỗ công 3 tháng chăm sóc. Kế tiếp, ông trồng 1,5 công bí đỏ, 1,5 công bắp. Chưa kể bắp, hiện bí đang vào đợt thu hoạch. Ông tính có thể được 3 tấn trái, với giá hiện nay 5.000đ/kg ông sẽ thu về được khoảng 15 triệu đồng, cộng với khoảng 700 kg bông bí, hơn 5 triệu đồng nữa. Chỉ bớt ra 2 lao động để chăm sóc, thu nhập của gia đình khá và ổn định hơn.

Đến hộ chị Lê Thị Thía, ngụ ấp Tân Phú A. Chị đưa chúng tôi ra thăm chuồng bò của gia đình vừa kể: Được vay 12 triệu đồng từ dự án, chị mua 2 con bò về nuôi, kết hợp nhận “nuôi rẽ” thêm 2 con nữa. Vợ chồng vừa tranh thủ trồng cỏ, đi cắt cỏ cho bò ăn, vừa chịu khó đi làm mướn kiếm sống như trước. 4 con bò hiện tại đã lãi mỗi con khoảng 3 triệu đồng, xem như của để dành. Nhìn chuồng bò được mắc mùng cẩn thận, thêm chiếc chòi canh được cất kế bên mà theo chị: vừa canh trộm, vừa canh đất lở mới biết chị đang kỳ vọng biết bao vào đàn bò này.

Được biết, đầu năm 2011 xã Tân Bình có 414 hộ nghèo, chiếm 18,57% dân số. Khi dự án triển khai, xã có 53/414 hộ nghèo với 234 người nghèo thuộc 4 ấp tham gia dự án. Tổng số vốn cho 53 hộ vay là 480 triệu đồng, vốn đối ứng của bà con 240 triệu đồng. Mỗi hộ vay ít nhất là 5 triệu đồng, cao nhất 12 triệu đồng. Có 18 hộ sử dụng vốn trồng trọt (diện tích 2,9 ha), 13 hộ nuôi bò (20 con), 5 hộ nuôi heo (20 con), 1 hộ nuôi cá, số còn lại buôn bán.

Theo báo cáo của UBND xã Tân Bình, sau một năm thực hiện dự án, có 30/53 hộ đã thoát khỏi chuẩn nghèo (11 hộ thoát nghèo, 19 hộ chuyển sang cận nghèo). Có thể nói, dự án đã tiếp sức giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo thành công.

Điều chúng tôi còn băn khoăn là vốn cho hộ nghèo có vẻ còn dàn trải, mỗi hộ vay cao nhất là 12 triệu đồng, các hộ phải đối ứng thêm trong khi tiền vốn với hộ nghèo không dễ kiếm. Chẳng hạn, chị Thía cho biết, để đủ tiền mua 2 con bò giá 16 triệu đồng (vốn dự án 12 triệu đồng) chị đã phải vay thêm bên ngoài 1 chỉ vàng, hàng tháng đóng lãi gần 200.000 đồng nên rất khó khăn. Mặt khác, việc làm ăn của bà con còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro từ thời tiết, dịch bệnh, giá cả bấp bênh... Đơn cử trường hợp hộ ông Nguyễn Văn Hùng - 1/53 hộ nuôi cá, lúc đầu được đánh giá là khá hiệu quả nhưng hiện đang gặp khó do chi phí đầu vào tăng (thức ăn, thuốc điều trị bệnh cho cá tăng), thêm sự cố thất thoát cá do trận lũ năm 2011 nên vốn vay khó bảo toàn. Hộ ông Tràng cũng đã lỗ công chăm sóc 3 tháng cho vụ trồng bầu. Hộ anh Lê Thành Đây (ngụ ấp Tân Phú A) vay vốn thuê đất trồng khoai cao, sau hơn 5 tháng lãi được hơn 6 triệu đồng. Kế tiếp anh trồng ớt lại gặp lúc ớt rớt giá chỉ còn 8.000 -10.000 đồng/kg, lỗ phải nhổ bỏ ớt, chuyển sang tỉa bắp và đậu. Chỉ cho chúng tôi xem một bên đám bắp xanh tốt còn bên trồng đậu lưa thưa cỏ mọc, vợ anh Đây nói: “Gặp mưa dầm đậu tỉa 3 lần vẫn không lên, vợ chồng tui đang tính xới đất lại, qua tháng sau sẽ trồng ớt lại, đón vụ ớt đầu giá cao”. Theo anh Đào Văn Lía - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình thì mô hình trồng ớt của bà con ở đây cũng được xem là mô hình hiệu quả, cho lãi cao, do bà con trồng ớt sớm trong đê bao, giá đầu vụ 40-45 ngàn đồng/kg, với sản lượng 1tấn ớt/vụ, bà con lãi vụ đầu 25-30 triệu đồng/công.

Dù còn nhiều trăn trở, khó khăn nhưng chúng tôi cảm nhận được những hộ nghèo “một nắng hai sương” trước khi tham gia dự án chỉ biết làm mướn, thì nay từ sự tiếp sức của dự án đang chăm chỉ làm ăn, quyết chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê mình. Tin rằng, đất sẽ không phụ công người và đến cuối giai đoạn sẽ có từ trên 95% hộ thoát nghèo bền vững như chỉ tiêu dự án đã đề ra.

K.Loan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn