Vấn nạn lạm dụng rượu, bia
Cập nhật ngày: 08/11/2018 12:33:47
Bài 2: Đừng để “ma men” dẫn lối, đưa đường
ĐTO - Như chúng ta đã thấy, có quá nhiều bài học đắt giá từ việc lạm dụng uống rượu, bia nhưng nhiều người vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các tiệc rượu “tới bến”: đúng uống, sai uống, vui uống, buồn uống, thậm chí không vui không buồn cũng uống rượu, bia,…
Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông báo động, đã đến lúc chúng ta cần nói không với lạm dụng rượu, bia để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, cũng như ngăn ngừa các hệ lụy mà rượu, bia gây ra.
>> Bài 1: Rượu, bia và những hệ lụy khó đong đếm
Có quá nhiều bài học đắt giá từ việc uống rượu, bia nhưng nhiều người vẫn tìm đủ lý do để tổ chức các cuộc vui “tới bến”
1001 lý do để uống rượu, bia
Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, ở Đồng Tháp giờ đây mỗi khi về đêm, các trung tâm thành phố, huyện, thị đều trở nên nhộn nhịp với ánh đèn và tiếng nói cười rôm rả của hàng quán khắp nơi. Và thật dễ để tìm một nơi “nhâm nhi” vài chai bia và trò chuyện với bạn bè, bởi các quán ăn uống mọc lên san sát. Tính sơ nội, ngoại ô TP.Cao Lãnh cũng trên trăm quán nhậu, đó là chưa kể các quán cóc vỉa hè. Quán nào cũng tấp nập tới nửa đêm. Bên cạnh đó là trên 2.400 cơ sở sản xuất rượu, với tổng lượng sản xuất 15 triệu lít/năm, được kinh doanh, bán lẻ ở khoảng 4.100 cơ sở kinh doanh trên địa bàn và xuất bán ở các tỉnh lân cận.
Buổi chiều, dạo quanh các quán, đủ lứa tuổi, giới nhưng đa phần là các thanh niên bàn tán xôn xao, tiếng hô: “1, 2, 3 dzô” náo động. Người ta nhậu với nhiều lý do khác nhau. Anh Nguyễn Văn Hậu ở TP.Cao Lãnh chia sẻ: “Tôi uống bia, rượu khi gặp đối tác làm ăn hay anh em, bạn bè lâu ngày gặp lại hoặc lễ cưới, sinh nhật, lễ hỷ,... Nhưng đôi khi hứng vì chuyện vui nào đó, tôi cũng có thể tụ tập bạn bè nhậu nhẹt và giới hạn cho những cuộc nhậu đó là không say không về”. Còn theo chị Nguyễn Ngọc Nữ (phường 1, TP.Cao Lãnh), hiện rượu, bia xuất hiện khắp mọi nơi. Vui cũng bia rượu, buồn cũng mượn rượu, bia giải sầu. Đặc biệt, trong quan hệ công việc lại càng phải có rượu, bia mới có thể “ăn nói” được. Kể cả công chức, viên chức lẫn dân thường, cứ hễ gặp nhau là phải có bia, có rượu mới có thể “mạnh” miệng được ”.
Ngoài những lý do trên, nhiều cuộc nhậu chẳng có lý do gì! Vui, buồn, thậm chí không vui, không buồn họ cũng nhậu theo kiểu ghiền “thích thì nhậu”. Kiểu này, hiện nay rất nhiều, nhất là ở nông thôn. Mọi người gọi những người này là đệ tử của “thần lưu linh”. Họ có thể nhậu bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào: tại nhà, bờ kinh, mé ruộng, bóng cây bên đường hay hiên nhà ai đó bỏ hoang đều có thể trở thành bàn nhậu của họ. Mỗi xóm ít nhất cũng đôi ba người và một khi họ gặp nhau chỉ cần có rượu, chén muối ớt, vài trái cóc, trái ổi, sang lắm thì thêm dĩa mắm sống là họ gạt bỏ mọi công việc “chén thù, chén tạt” tới trời tối mịt mới tàn cuộc. Rồi thì miệng lảm nhảm, chân 1 bước tiến 2,3 bước lùi, loạng choạng trở về nhà.
Có chồng là đệ tử lâu năm của “thần lưu linh”, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) chia sẻ: “Nhà chỉ có vợ chồng tôi. Hàng ngày, tôi đi làm thuê trong xóm, còn chồng ở nhà sáng nhậu, chiều nhậu, có khi thêm cử tối. Nhậu với mấy ông trong xóm chứ có ai. Có tiền thì nhậu không nói gì, không tiền cũng mua thiếu. 10 bữa, nửa tháng là tôi phải trả cả trăm ngàn tiền rượu”.
Đừng để “ma men” dẫn lối, đưa đường
Thực ra bản chất của việc sử dụng rượu, bia không phải hoàn toàn có hại nếu chúng ta uống đúng liều lượng, uống có chừng mực và phù hợp với hoàn cảnh. Tuy nhiên, khó có thể kiểm soát được số lượng uống rượu, bia trong mỗi lần, bởi phần lớn khi uống rượu, bia đều có bạn bè nên rất khó từ chối và hạn chế được số lượng uống.
Theo nhiều người chia sẻ, việc hạn chế lạm dụng rượu, bia hiệu quả nhất là bắt đầu từ bản thân mỗi người. Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về những ảnh hưởng và hậu quả mà rượu, bia gây ra, để từ đó tự thay đổi từ suy nghĩ đến hành động, đồng thời tuyên truyền, vận động mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng rượu, bia một cách hợp lý và an toàn. Văn hóa uống rượu là uống phải có trách nhiệm với gia đình, xã hội và với bản thân mình, uống phải có chừng mực, không làm mất tự chủ để “ma men” dẫn lối, đưa đường.
Anh Lê văn Quí (ở phường 3, TP.Cao Lãnh) đóng góp: “Rượu, bia là chất kích thích, gây nghiện, người sử dụng rất dễ bị lệ thuộc dẫn đến tình trạng lạm dụng, nghiện ngập. Do đó, để phòng tránh tối đa ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đến con người và xã hội, cần có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc buôn bán rượu, bia và sử dụng rượu, bia như: giới hạn độ tuổi được phép mua rượu, bia; tăng thuế nhằm nâng giá rượu, bia; xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích, quảng cáo sử dụng rượu, bia...
Bên cạnh những công cụ pháp lý, nhiều người cho rằng, để sớm ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn lạm dụng rượu bia, mỗi địa phương cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cụ thể như: tăng cường truyền thông về tác hại của rượu, bia trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với việc phát động phong trào toàn dân hưởng ứng phòng, chống lạm dụng rượu, bia với nhiều hoạt động cụ thể lồng ghép trong các tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, khóm, ấp, cơ quan, đơn vị văn hóa; thiết lập mạng lưới giám sát, theo dõi tình hình sử dụng rượu và lạm dụng rượu, bia tại cộng đồng với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế khóm ấp. Mỗi địa phương hình thành và duy trì hoạt động của mạng lưới tư vấn phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của lạm dụng rượu, bia tại cộng đồng. Ngành chức năng nên quy định việc in thông tin về tuổi, đối tượng không được sử dụng và cảnh báo tác hại của rượu, bia trên nhãn sản phẩm.
Đối với người nghiện rượu, bia cần được lực lượng y tế chủ động tiếp cận, tạo thuận lợi để được can thiệp sớm, điều trị cai nghiện tại cộng đồng và phòng, chống tái nghiện. Quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu, bia ở từng địa phương. Song song đó là việc kiểm soát kinh doanh rượu thủ công (như quản lý chặt việc cấp phép; xây dựng cơ chế để tổ chức, cá nhân tham gia làng nghề ở các địa phận có làng nghề); kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
NGỌC LINH
(Hết)