Nhận biết và phòng lây nhiễm cúm A (H1N1) ở người

Cập nhật ngày: 19/06/2013 03:19:47

Bệnh cúm A (H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính và lây lan nhanh từ người sang người. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có trường hợp tử vong do nhiễm cúm A (H1N1). Để giúp bạn đọc nhận biết và phòng lây nhiễm bệnh cúm này, phóng viên (PV) Báo Đồng Tháp đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp.

PV: Xin bác sĩ cho biết diễn biến tình hình cúm A (H1N1) từ đầu năm 2013 đến nay trên phạm vi cả nước và địa bàn tỉnh?

Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu: Theo Báo cáo giám sát bệnh cúm A(H1N1) của Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2013 đã có trên 500.000 người nhiễm cúm, trong đó đã có 10 trường hợp tử vong do cúm A(H1N1). Tổng số trường hợp mắc và tử vong do cúm A(H1N1) gây ra trong 5 tháng đầu năm 2013 không tăng hơn năm 2012.

Tại Đồng Tháp từ đầu năm 2013 đến nay đã có 1 ca tử vong do cúm A (H1N1) tại xã An Long, huyện Tam Nông.

PV: Những biểu hiện của người mắc bệnh cúm A (H1N1)? Các đối tượng nào dễ bị mắc bệnh và hiện đã có vắc xin phòng ngừa chưa?

Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu: Khi mắc bệnh cúm A(H1N1) bệnh nhân thường có các biểu hiện như: sốt cao đột ngột (trên 380C), đau ngực, khó thở, kèm theo các triệu chứng đau họng, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời, nôn và tiêu chảy,...

Những đối tượng dễ bị mắc bệnh bao gồm: người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,..., dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A/H1N1, do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong.

Hiện đã có vắc xin phòng bệnh cúm, được chỉ định sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi. Công thức một liều vắc xin cúm 2012 - 2013 gồm 3 chủng: A H3N2, A H1N1 & chủng cúm B.

PV: Cách phòng ngừa bệnh cúm A (H1N1) ở người?

Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu: Để phòng bệnh, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà bông, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe; các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Khi có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng.

PV: Trước diễn biến phức tạp của bệnh cúm A (H1N1), bác sĩ có lời khuyên gì đối với bạn đọc?

Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu: Để phòng bệnh cúm A nói chung, các biện pháp vệ sinh cá nhân thường xuyên rất quan trọng; đồng thời cần thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm: ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh, chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, gia súc có nguồn gốc rõ ràng và qua kiểm dịch; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe; khi phát hiện có gia cầm, gia súc ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Hữu Nghĩa
(Thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn