Quyết liệt phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue

Cập nhật ngày: 17/09/2022 05:59:46

ĐTO - Từ đầu năm đến nay, ngành y tế và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chiến dịch diệt lăng quăng, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Tuy nhiên, tình hình dịch SXHD trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn ở mức cao. Tính đến tuần 36 (ngày 4/9/2022), toàn tỉnh ghi nhận 8.813 ca mắc SXHD, tăng 7.953 ca so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó có 273 ca nặng và 12 trường hợp tử vong). Hiện nay, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, UBND huyện, thành phố đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn nhằm kiềm chế, kéo giảm số ca mắc SXHD...


Một số người dân ấp Tân Thuận, xã Tân Phước, huyện Lai Vung vẫn còn thói quen trữ nước mưa trong lu để sử dụng

Chưa duy trì thói quen diệt lăng quăng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một trong những nguyên nhân gia tăng dịch SXHD là do hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường là yếu tố thuận lợi cho véc-tơ truyền bệnh SXHD phát triển mạnh. Bên cạnh đó, người dân chưa duy trì thói quen loại bỏ các vật dụng phế thải chứa nước đọng xung quanh nhà, còn duy trì trữ nước trong các lu, khạp để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày và không chú ý xúc lu, đậy kín nắp vật chứa nước hay thả cá diệt lăng quăng đã tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển... dẫn đến tình trạng số ca mắc SXHD tăng.

Huyện Lai Vung là một trong những địa phương có số ca mắc SXHD cao. Tính đến tuần 36 (ngày 4/9/2022), toàn huyện có 801 ca mắc SXHD (tăng 699 ca so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, các xã có số ca mắc cao gồm: Long Hậu (161 ca), Tân Thành (132 ca), Vĩnh Thới (99 ca) và Tân Dương (69 ca). Đến nay, xã Tân Phước, xã Tân Thành là một trong những địa bàn “nóng” có số mắc cao của huyện.

Tại nhà ông N. V. N. (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Phước), thường sử dụng lu, kiệu chứa nước sử dụng sinh hoạt, trong một số lu nước có lăng quăng. Ông N. cho biết: “Tôi chứa nước trong các lu để sử dụng sinh hoạt hàng ngày, tôi nghĩ không có lăng quăng nên cũng ít kiểm tra. Sắp tới, tôi sẽ chú ý xúc lu hàng tuần diệt lăng quăng không để phát triển thành muỗi gây bệnh SXHD”. Ngoài việc không thường xuyên xúc lu, khạp chứa nước, một số hộ gia đình còn không đổ các vật dụng phế thải đọng nước xung quanh nhà. Tại nhà của bà N. K. E. (ngụ ấp Tân Bình, xã Tân Thành), phía bên hông nhà bà E. có nhiều vật phế thải đọng nước như: gáo dừa, lon, chai đọng nước có chứa lăng quăng; trong nhà bày trí không gọn gàng, nhiều quần áo, vật dụng,... tiềm ẩn nguy cơ phát sinh muỗi, gây bệnh SXHD.


Lãnh đạo Phòng Y tế huyện Cao Lãnh (phải) khuyến cáo các hộ dân duy trì thói quen diệt lăng quăng trong nhà và quanh nơi ở

Tại huyện Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay, huyện ghi nhận 1.065 ca mắc SXHD (tăng 933 ca so với cùng kỳ năm 2021), có 1 ca tử vong; phát hiện và xử lý 197 ổ dịch (tăng 149 ổ dịch so với cùng kỳ). Theo Phòng Y tế huyện Cao Lãnh, hiện tại, các xã: Phong Mỹ (194 ca), Mỹ Hội (95 ca), Tân Nghĩa (86 ca) và Gáo Giồng (78 ca)... là những địa bàn có số ca mắc SXHD cao. Đề cập đến vấn đề này, ông Huỳnh Đức Trường - Trưởng Phòng Y tế huyện Cao Lãnh cho biết: “Qua kiểm tra thực tế nhà các hộ dân tại các xã có số ca mắc SXHD cao, hầu hết đều phát hiện các vật chứa nước trong nhà hoặc xung quanh nơi ở có chứa lăng quăng. Qua đó cho thấy, một bộ phận người dân chưa tuân thủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế; thiếu quan tâm vệ sinh khu vực quanh nhà, loại bỏ vật dụng chứa nước đọng. Người dân có thói quen trữ nước trong các lu, khạp nhưng không đậy kín nắp các vật chứa nước hay thả cá diệt lăng quăng, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển và gây bệnh SXHD...”.


Ngành y tế kiểm tra lăng quăng trong vật dụng chứa nước của hộ dân tại xã Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh)

Quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch SXHD

Tăng cường công tác phòng, chống dịch SXHD, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục duy trì hệ thống giám sát ca bệnh từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo việc phát hiện sớm ca bệnh và xử lý ổ dịch kịp thời. Chủ động chỉ đạo tuyến huyện mở rộng bán kính xử lý ổ dịch tại những nơi có nguy cơ cao; tăng cường công tác điều tra dịch tễ, giám sát và xử lý ổ dịch. Tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng tại những điểm nguy cơ, kết hợp phun hóa chất dập dịch nhanh chóng, kịp thời. UBND huyện, thành phố tiếp tục triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng dịch SXHD. Đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 3.364 ổ dịch, đạt 100%; tổ chức 5 chiến dịch diệt lăng quăng tại 12/12 huyện, thành phố; triển khai 3 đợt phun hóa chất diện rộng tại huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự...


Cán bộ Trạm y tế xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (phải) cùng người dân loại bỏ vật dụng chứa nước có lăng quăng

Tại các địa phương, UBND huyện, thành phố trong tỉnh cũng chỉ đạo ngành y tế huyện, thành phố phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, kết hợp các hoạt động truyền thông cho người dân về phòng, chống SXHD trên các phương tiện thông tin đại chúng; huy động sự tham gia của các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tuyên truyền, cảnh báo cho người dân về nguy cơ, mức độ nguy hiểm của dịch SXHD. Tăng cường vãng gia đến từng hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa SXHD. Ông Nguyễn Hữu Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Trong tháng 9 và tháng 10/2022, huyện tiếp tục triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng, trong chiến dịch sẽ huy động sự tham gia của các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vào cuộc tuyên truyền đến người dân, nhất là người dân tại các địa bàn đông dân cư, nơi nguy cơ cao, nơi xảy ra nhiều ổ dịch thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh SXHD, xử lý dứt điểm các vật dụng phế thải đọng nước để diệt lăng quăng, diệt muỗi, không để dịch SXHD bùng phát”.


Lực lượng dân quân tự vệ, các tổ chức chính trị - xã hội thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) phối hợp ra quân diệt lăng quăng

Để kéo giảm số ca mắc SXHD, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp, thì đòi hỏi mỗi hộ gia đình cần ý thức hơn trong việc duy trì thực hiện tốt việc loại bỏ các vật dụng phế thải đọng nước xung quanh nhà; xúc, rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần một lần; trong nhà sắp xếp đồ, vật dụng ngăn nắp, thông thoáng để muỗi không có nơi trú ẩn;... nhằm chủ động phòng, chống dịch SXHD, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho người thân trong gia đình.

P.L - M.X

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn