Bắt mạch xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng

Cập nhật ngày: 06/11/2019 09:37:29

(Phỏng vấn Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan nhân sự kiện Diễn đàn Mekong Connect 2019)

ĐTO - Ngày mai, 7/11/2019, tại TP.Cần Thơ sẽ diễn ra diễn đàn Mekong Connect 2019 với chủ đề “Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường”. Diễn đàn năm nay kỳ vọng sẽ có cách nhìn, cách tiếp cận mới nhằm thay đổi nền nông nghiệp từ “Tư duy sản xuất” sang “Tư duy kinh tế” theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và xu thế thị trường.

Đồng Tháp là 1 trong 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) cùng Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) đồng tổ chức diễn đàn.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan

Phóng viên (PV): Diễn đàn Mekong Connect 2019 với chủ đề: Liên kết chuỗi giá trị đồng bằng - Tăng cường hội nhập thị trường, trong đó có 4 nhóm đề tài sẽ được bàn thảo gồm: Nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa nông sản đồng bằng; bắt mạch xu hướng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng; ứng dụng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị; liên kết khởi nghiệp và phát triển trên nền tài nguyên bản địa. Ông quan tâm đến nhóm đề tài nào nhất? Vì sao? Thưa ông!

Bí thư Lê Minh Hoan: Trong 4 đề tài trên, đề tài nào cũng thiết thực đối với câu chuyện của đồng bằng. Tuy nhiên, theo tôi, nhóm đề tài là từ khóa mở ra các đề tài khác là “Bắt mạch xu huớng thị trường, định hướng cho nông sản đồng bằng”. Lý do đó là từ khóa vì, chúng ta đang điều hành một xã hội, một nền kinh tế theo xu thế thị trường, trong đó thị trường sẽ quyết định tất cả mọi việc, nó sẽ điều chỉnh tư duy của người sản xuất và tư duy của doanh nghiệp (DN). Thị trường sẽ định hình được những câu chuyện nông sản, sản phẩm của chúng ta như thế nào, tạo ra giá trị gia tăng như thế nào, đáp ứng nhu cầu về truy xuất nguồn gốc thế nào. Và kể cả những câu chuyện về khởi nghiệp cũng phải bắt nhịp theo xu thế thị trường. Chúng ta không thể khởi nghiệp cái mình có mà phải khởi nghiệp theo những cái mà thị trường cần.

Như vậy, theo tôi thì nên bắt nhịp theo xu thế thị trường, đặc biệt là thị trường nhiều biến động như hiện nay, đó là từ khóa để mở ra cánh cửa triển vọng để nền nông sản của đồng bằng cả về sản xuất, kinh doanh và kể cả các quy định phải phù hợp với xu thế thị trường... Xu huớng thị trường quyết định tất cả những nội dung còn lại được bàn thảo trong hội thảo sắp tới.

PV: Hình thành từ năm 2015, đến nay, Diễn đàn Mekong Connect tiếp cận ĐBSCL thông qua những chủ đề “Liên kết - Hội nhập - Phát triển”,“Tìm cơ trong nguy”, “Phát triển tài nguyên bản địa kết hợp sức mạnh công nghệ” và nhiều hội thảo chia sẻ tầm nhìn, cảnh báo thách thức - giới thiệu cơ hội trong quá trình hội nhập... Ông nhận xét như thế nào về những nỗ lực chia sẻ của các chuyên gia và những tác động tới các DN vừa và nhỏ, các start-up, bà con nông dân khi những ý tưởng chia sẻ được ứng dụng tại địa phương?

Bí thư Lê Minh Hoan: Tôi tham dự hầu như tất cả các hội thảo cũng như các tọa đàm của Mekong Connect những năm vừa qua, tôi đánh giá cao sự chuẩn bị, nhiệt huyết của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA). Đây là đơn vị trực tiếp tổ chức kết nối các nhà chuyên gia, DN đến diễn đàn.

Tôi thấy rằng, những chắt lọc từ hội thảo của các chuyên gia trong nước và ngoài nước đã đem lại những ý tưởng mới, cách làm mới rất thiết thực cho cộng đồng DN của Đồng Tháp. Nhất là các bạn trẻ đang bước chân vào con đường khởi nghiệp có sự định hình được hướng đi của mình hòa nhịp với xu thế chung trong dòng chảy của sự phát triển DN, phù hợp với quy luật của nền kinh tế thị trường và tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm mang hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng rất cao. Và, đặc biệt vượt qua được những gì chúng ta thường nói về nền nông nghiệp truyền thống của chúng ta như trước đây và ngay cả bây giờ, chỉ dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô là phần thấp nhất của chuỗi giá trị.


Ngành hàng xoài, một trong những nông sản thế mạnh của Đồng Tháp. 
Ảnh: Mỹ Lý

PV: Thưa ông! Những ý tưởng, mô hình nào của địa phương sẽ được chia sẻ cho các tỉnh ĐBSCL tại Diễn đàn Mekong Connect 2019? Ông có thể chia sẻ mục đích, ý nghĩa của những mô hình này?

Bí thư Lê Minh Hoan: Có lẽ một trong những mô hình mà chúng tôi rất tâm đắc là cộng đồng DN của tỉnh, những DN đã thành công trong thương trường hay là những DN có tiềm năng của tỉnh đã tổ chức ra các câu lạc bộ để hỗ trợ các DN khởi nghiệp. Thông qua các diễn đàn đó, tư duy của những DN thành công và những nguồn lực, những ý tưởng của các DN thành công sẽ dìu dắt DN khởi nghiệp.

Đồng Tháp cũng rất tự hào có một mô hình “DN đi trước rước DN đi sau” như vậy. Bởi thông qua các câu lạc bộ, những không gian của các DN thì chúng ta kết nối được rất nhiều các chuyên gia đến để hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin về mặt thị trường, về mặt quản trị, về mặt văn hóa DN. Việc này sẽ tác động cho các cộng đồng DN đã đứng vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và tác động giúp các DN khởi nghiệp có thêm nhiều năng lượng và tư duy mới. Cũng chính từ các diễn đàn đó, chúng tôi đã kết nối được những người sản xuất, tạo ra sự liên kết giữa người sản xuất với các DN. Tôi cảm nhận rằng, đó là một điều khá thành công đối với Đồng Tháp.


Đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Đồng Tháp tham dự buổi workshop trước thềm Mekong Connect với chủ đề “Nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm”. 
Ảnh: Nhật Khánh

PV: Diễn đàn Mekong Connect nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI, các Tổ chức quốc tế, các địa phương... Theo ông, nội dung hợp tác trong tương lai nên như thế nào để thể hiện tinh thần đổi mới, sáng tạo trong từng địa phương và phát triển mối liên kết có ý nghĩa cho vùng ĐBSCL nhằm giảm bớt rủi ro, khai thác tốt nhất mọi cơ hội khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với biến đổi khí hậu?

Bí thư Lê Minh Hoan: Diễn đàn Mekong Connect được hình thành trên 4 tỉnh gọi là ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp). Những năm vừa qua, thời gian từ khi thành lập đến nay đã bắt đầu tạo ra được sự liên kết nho nhỏ giữa 4 địa phương, nhưng tôi nghĩ rằng, sự liên kết đó là liên kết mở và sẽ rộng dần dần ra ở các địa phương còn lại, nhằm liên kết tạo ra một sức mạnh mới bổ sung nguồn lực cho nhau. Nếu địa phương này có thế mạnh này thì địa phương khác có thế mạnh khác, chúng ta cùng ngồi lại chia sẻ để tạo ra một mạng lưới liên kết và phát triển.

Tuy nhiên, theo tôi trong thời gian tới, để làm tốt hơn thì các sản phẩm của những diễn đàn như thế này sau đó phải được cụ thể hóa thông qua cộng đồng DN của 4 địa phương bằng những liên kết cụ thể hơn, tạo ra những chuỗi giá trị cho từng ngành hàng nông sản, chính cộng đồng DN mới là một điều kiện đủ để mạng lưới thành công. Điều này không chỉ dừng lại ở chính quyền và DN của 4 địa phương mà phải mở rộng ra cộng đồng DN các tỉnh ĐBSCL, để có thể hình thành những hiệp hội ngành hàng nông sản. Những hiệp hội ngành hàng này sẽ cùng ngồi lại bàn bạc với chính quyền các địa phương để đưa ra những chiến lược bền vững, cũng như khuyến nghị các chính sách đối với Chính phủ, và đây cũng là hạt nhân để tạo ra mạng lưới liên kết vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng sự liên kết của những DN.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mỹ Nhân (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn