Đồng Tháp chủ động trong công tác phòng chống thiên tai
Cập nhật ngày: 24/06/2020 17:27:13
ĐTO - Ngày 24/6, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cùng lãnh đạo các sở, ngành tỉnh có buổi làm việc với đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai. Đoàn công tác do ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam làm trưởng đoàn.
Ông Nguyễn Hải Anh đánh giá cao sự chủ động của Đồng Tháp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Theo Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BĐKH – PCTT&TKCN) tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng mưa vừa đến mưa to, giông lốc, gió mạnh. Đặc biệt, trong tháng 4, 5/2020, xảy ra những trận mưa to kèm theo giông lốc, sấm sét làm sập 3 căn nhà, tốc mái 25 căn, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản là trên 800 triệu đồng.
Từ đầu năm đến nay, tình hình sạt lở và sụt lún khu vực nội đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiếp diễn, gây ra nhiều thiệt hại. Trên sông Tiền tại khu vực xã An Phong huyện Thanh Bình xảy ra 1 vụ sạt lở. Riêng tình trạng sạt lở khu vực nội đồng xảy ra tại 6 xã, phường, thị trấn của 3 huyện (Cao Lãnh, Thanh Bình, Châu Thành), với tổng chiều dài là 213m, diện tích trên 1.000m2, ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân. Ước tổng thiệt hại do sạt lở gây ra khoảng 957 triệu đồng.
Nhằm chủ động tăng cường công tác bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, hàng năm, Đồng Tháp chủ động thực hiện nhiều giải pháp như tiếp tục xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2. Đến nay, có 14.071/15.193 hộ xây dựng nhà ở trong các cụm tuyến dân cư, chiếm tỷ lệ gần 93%. Hiện, toàn tỉnh có 425 chốt cứu hộ, với trên 2.600 thành viên, trong đó có 219 chốt xung yếu, với 1.500 thành viên tham gia trực 24/24.
Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn phối hợp Ban An toàn giao thông và Sở Y tế tổ chức triển khai thành lập điểm sơ cấp cứu tai nạn đường bộ trên các tuyến đường chính thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức và duy trì 17 nhóm trẻ cộng đồng; tổ chức và duy trì 959 lớp dạy bơi cho gần 27.300 em từ 7 -15 tuổi; tăng cường kiểm tra an toàn giao thông các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trong mùa mưa lũ.
Thời gian qua, Đồng Tháp còn thực hiện nhiều công trình trọng điểm phục vụ phòng, chống thiên tai như: các dự án về phòng, chống sạt lở bờ sông Dự án nâng cấp tuyến đê bao, kè chống sạt lở, xây dựng hệ thống cống dọc sông Tiền, TP.Cao Lãnh (giai đoạn 1); Dự án Kè chống sạt lở Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh; Dự án Kè Bình Thành đến Vàm Phong Mỹ sông Tiền tỉnh Đồng Tháp (giai đoạn 2); Dự án Kè Hổ Cứ xã Hòa An, TP.Cao Lãnh; Dự án phòng chống sạt lở bờ sông để bảo vệ dân cư tại các khu vực xung yếu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp (Kè An Hiệp xã An Hiệp, huyện Châu Thành).
Để chủ động trong việc khắc phục hậu quả thiên tai, tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án PCTT & TKCN phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết khi hậu thủy văn, làm tốt công tác dự báo, cảnh báo, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đánh giá cao sự chủ động trong công tác PCTT&TKCN của tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục tăng cường công tác PCTT theo định hướng chung của Ban Chỉ đạo Trung ương. Đối với các cấp, ngành của tỉnh cần xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN phù hợp với tình hình thực tế, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn; xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro trong thiên tai theo sổ tay hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT; chủ động hơn trong công tác dự báo, ứng phó với thiên tai...
MỸ LÝ