Gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản

Cập nhật ngày: 22/11/2019 09:53:01

ĐTO - Theo Sở Công Thương Đồng Tháp, thực hiện vai trò gắn kết giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, thời gian qua, Sở đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát thị trường, tìm kiếm kết nối tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và nhất là TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tạo nhiều cầu nối liên kết, kết nối các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất trong tỉnh với kênh phân phối hiện đại, mời các nhà phân phối hiện đại về tỉnh thông tin cho các DN, HTX, cơ sở, hộ sản xuất về tiêu chuẩn, chất lượng, quy trình đưa sản phẩm vào các kênh phân phối và khảo sát thực tế vùng sản xuất hàng hóa của tỉnh. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh đã có mặt trên hệ thống Saigon Co.op, Hapro, SATRA, Big C, Lotte, VinMart, Siêu thị Tứ Sơn...; tổ chức các đoàn tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ nhằm quảng bá và liên kết tiêu thụ nông thủy sản của tỉnh. Ngoài ra, phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam bước đầu triển khai bán hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử trên các trang mạng: Lazada, Alibaba, Amazon,...

Tuy nhiên, số lượng sản phẩm chưa đủ lớn, chất lượng nông sản không đồng đều, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa qua chế biến; liên kết tiêu thụ sản xuất đạt tỷ lệ thấp, do thiếu DN đủ mạnh tham gia liên kết để thực hiện vai trò dẫn dắt chuỗi, sản phẩm chưa đáp ứng đủ số lượng, liên tục, chất lượng chưa đồng đều, vận chuyển hàng hóa vẫn là khâu yếu...

Để tiếp tục thực hiện gắn kết sản xuất với tiêu thụ, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục điều tra, khảo sát số lượng hàng hóa đã sản xuất đạt chuẩn mà chưa tiêu thụ được. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, bao bì.

Tuy nhiên, để có sự đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi giá trị, đòi hỏi cần có nhiều ngành, đoàn thể, địa phương và các HTX, Hội quán tham gia. Trong đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng quy mô, tập trung, tuyên truyền để người dân nhận thức rõ về tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị tạo vùng sản xuất tập trung, sản xuất cái thị trường cần, sản xuất các mặt hàng có lợi thế của địa phương, chuyển sản xuất từ lượng sang chất, chuyển sang nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao phù hợp; tăng cường liên kết giữa các DN với nhau, DN với HTX, DN với người dân; liên kết vùng, giữa các địa phương...

Cùng với đó, ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến trang thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng; tăng cường kêu gọi đầu tư của các DN trong và ngoài tỉnh tham gia dẫn dắt chuỗi, cung ứng đầu vào cho sản xuất, thu mua và chế biến nông sản, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, ứng dụng công nghệ trong quảng bá, giới thiệu, trao đổi mua - bán sản phẩm.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn