Anh Lê Huỳnh Phong

Khởi nghiệp với chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cập nhật ngày: 30/06/2020 05:53:43

ĐTO - Không giống những bạn bè cùng trang lứa lựa chọn các thành phố lớn để lập nghiệp, anh Lê Huỳnh Phong - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế phẩm sinh học Kiến Nông Xanh (xã Mỹ Trà, TP.Cao Lãnh) lại trở về quê hương để khởi nghiệp sản xuất chế phẩm sinh học lên men vi sinh. Sự lựa chọn này xuất phát từ mong muốn giúp người nông dân tỉnh nhà giảm chi phí canh tác, nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường...


Anh Lê Huỳnh Phong – Giám đốc Công ty Kiến Nông Xanh

Ngay khi còn là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh, anh Lê Huỳnh Phong và những người bạn có dịp tham gia sản xuất các sản phẩm vi sinh, hữu cơ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trong quá trình thực hiện, anh Phong nhận thấy, chất lượng các sản phẩm này rất tốt, tuy nhiên giá cả lại khá đắt, người nông dân sẽ rất khó tiếp cận để áp dụng vào quy trình canh tác. Trong khi với kiến thức chuyên môn được đào tạo, bản thân anh có thể sản xuất ra sản phẩm đạt yêu cầu với giá cả phải chăng.

Ngoài ra, điều anh Phong quan tâm hiện nay là người nông dân lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là đất sẽ bị chai cứng theo thời gian. Từ những trăn trở đó, anh Lê Huỳnh Phong cùng người bạn của mình đã khởi nghiệp sản xuất các sản phẩm chế phẩm sinh học lên men vi sinh thân thiện với môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Tuy nhiên, trong quá trình khởi nghiệp, anh Lê Huỳnh Phong cũng gặp không ít khó khăn. Anh Phong chia sẻ: “Thời gian đầu khởi nghiệp, ngoài kiến thức chuyên ngành thì hầu như tất cả mọi việc đều mới mẻ với tôi. Đặc biệt, khi bắt đầu thị trường hóa sản phẩm, ngoài khó khăn về nguồn tài chính, tôi còn mất nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện công thức sản phẩm”.

Đứng trước những thách thức đó, anh Lê Huỳnh Phong chọn cho mình giải pháp “lắng nghe” những phản hồi chia sẻ, đóng góp từ người sử dụng để điều chỉnh, ra mắt những dòng sản phẩm chuyên dụng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Anh Phong chia sẻ: “Hiện nay, trên thị trường có nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chế phẩm sinh học. Vì vậy, khi không có được sản phẩm độc quyền bắt buộc startup lắng nghe khách hàng, phát huy kiến thức tích lũy để tạo ra những sản phẩm có nhiều sự khác biệt nhằm trụ vững với thị trường”.

Sau 2 năm khởi nghiệp, đến nay, Công ty Kiến Nông Xanh đã cho ra mắt thị trường 7 dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất cho cây trồng và thủy sản. Đơn cử như: Dịch trùn vi sinh – DT17, Si 18; Tỏi ớt lên men... Điểm nhấn của các dòng sản phẩm thuộc Công ty Kiến Nông Xanh là được sản xuất từ 100% vi sinh, không bổ sung chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật. Các dòng sản phẩm có thể giúp giải quyết các nhu cầu cho cây trồng, vật nuôi như cung cấp dinh dưỡng, đối kháng bệnh hại, xử lý đất, cải tạo đất, xử lý đáy ao bằng vi sinh. Ngoài ra, Công ty Kiến Nông Xanh đầu tư các thiết bị chuyên ngành nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt cao nhất.

Với sự đầu tư nghiêm túc, đúng với nhu cầu của bà nên sản phẩm của công ty được khách hàng trong và ngoài tỉnh đón nhận và đánh giá cao. Mỗi tháng, công ty cung ứng cho thị trường trên 1.000 đơn vị sản phẩm.

Thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các thị trường tiêu thụ nông sản hầu như đóng băng, nông dân tạm ngưng sản xuất nên đầu ra sản phẩm của công ty cũng bị hạn chế, khiến doanh số sụt giảm. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, lại là cơ hội giúp anh Lê Huỳnh Phong suy nghĩ về những chiến lược kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Trên tinh thần cùng nhau phát triển hậu Covid-19, công ty định hướng hỗ trợ nông dân sử dụng sản phẩm và thanh toán vào cuối vụ, giúp nông dân trải nghiệm sản phẩm và giảm bớt khó khăn khi tái sản xuất.

Chia sẻ về những định hướng chiến lược trong tương lai, anh Lê Huỳnh Phong – Giám đốc Công ty Kiến Nông Xanh cho biết: “Thời gian tới, công ty tiếp tục nghiên cứu phát triển các dòng chế phẩm sinh học hiện đại thân thiện an toàn với môi trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, góp phần nâng cao chất lượng nông sản”.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn