Thương binh Huỳnh Duy Sản phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Cập nhật ngày: 30/07/2019 05:22:02
ĐTO - Dù mất bàn tay phải và cơ thể còn nhiều vết thương do chiến tranh để lại nhưng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, chú Huỳnh Duy Sản (tên thường gọi Mười Sản) thương binh 1/4 ngụ ấp Phú Thạnh B, xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Dù lớn tuổi và chỉ còn bàn tay trái nhưng chú Huỳnh Duy Sản soạn thảo văn bản trên máy vi tính rất thuần thục
Năm 1982, chú Mười Sản tình nguyện lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pônpốt. Nhập ngũ, chú Mười được đưa đi học về truyền tin rồi phụ trách công tác thông tin liên lạc. Tháng 12/1984, trong một trận đánh ác liệt ở tỉnh Koh Kong (Campuchia), khi làm nhiệm vụ truyền tin, một quả pháo cối phát nổ gần chú Mười, làm chú bị đứt lìa bàn tay phải và bị nhiều vết thương ở bụng, ngực, đầu, đùi... Chú Mười Sản cho biết: “Bị thương quá nặng, tôi cứ tưởng mình không sống nổi nhưng may mắn qua được. Suốt mấy chục năm nay, vẫn còn hai mảnh pháo nằm trong cơ thể tôi”.
Tháng 8/1985, chú Mười Sản xuất ngũ về quê với cơ thể không lành lặn. Chú lập gia đình vào năm 1986. Khi ấy, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn vì chú Mười là thương binh hạng 1/4, tỉ lệ thương tật lên đến 97%, sức khỏe giảm sút, gia đình lại không có đất canh tác cũng chẳng nghề nghiệp ổn định. Vợ chú Mười - cô Phạm Kim Thanh làm nghề buôn bán nhỏ để trang trải cuộc sống. Cuộc sống nghèo khó nhưng chú Mười Sản không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, quyết tâm tự lực thoát cảnh nghèo khó.
Những năm đầu thập niên 90, phương tiện vui chơi, giải trí của người dân xã cù lao Phú Thuận A còn thiếu thốn. Từ số tiền tích lũy của gia đình và vay vốn thêm, chú mua 2 tivi trắng đen để mở dịch vụ trò chơi điện tử và 1 bàn bida cũ, phục vụ người dân đến chơi giải trí khi rảnh rỗi. Tuy đã lớn tuổi, mất bàn tay phải nhưng chú vẫn chịu khó học tin học và cách sử dụng máy photocopy. Sau đó, chú Mười Sản mạnh dạn đầu tư mua máy photocopy, máy vi tính, kinh doanh dịch vụ photocopy, soạn thảo văn bản thuê. Vợ chú kinh doanh dịch vụ nấu ăn, chuyên phục vụ đám tiệc. Nhờ đó, kinh tế gia đình chú dần phát triển, có điều kiện lo cho các con học tập.
Ngoài tích cực lao động phát triển kinh tế gia đình, chú Mười Sản còn tham gia công tác ở địa phương. Chú từng giữ vai trò Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Thuận A (từ năm 1998 - 2009); tham gia Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ hòa giải của ấp... “Những năm sống trong môi trường quân đội rất có ý nghĩa đối với tôi. Đó là cơ hội tốt cho tôi học hỏi nhiều điều hay, trui rèn bản thân. Về với cuộc sống đời thường, dù có khó khăn như thế nào tôi cũng không buông xuôi. Là thương binh 1/4 với cơ thể đầy vết thương và mất bàn tay phải nhưng tôi vẫn nỗ lực lao động để nuôi các con học tập” - chú Mười Sản tâm sự.
Cả 4 người con của chú Huỳnh Duy Sản đều được học hành đàng hoàng. Người con thứ nhất tên Huỳnh Thanh Điền đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, đang là giáo viên của một trường THPT tại TP.Cần Thơ. Con thứ hai là Huỳnh Tấn Đạt (trình độ cao đẳng) có thu nhập ổn định từ nghề thiết kế đồ họa. Huỳnh Thị Anh Thư - con gái thứ ba, tốt nghiệp Cao đẳng ngành Quản trị kinh doanh. Còn cậu con trai út Huỳnh Phạm Khánh Duy đang học thiết kế đồ họa và phụ giúp mẹ kinh doanh dịch vụ nấu ăn. Chú Mười Sản bộc bạch: “Sau bao cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của vợ chồng tôi, giờ đây kinh tế gia đình ổn định. Các con học hành, có việc làm ổn định và hiếu thảo với cha mẹ. Đó là niềm hạnh phúc rất lớn đối với vợ chồng tôi”.
Anh Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ: “Cha tôi anh dũng chiến đấu trong chiến tranh và giàu nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Có những việc, tôi cứ nghĩ ông sẽ “đầu hàng” nhưng bằng sự chịu khó, kiên trì, ông vẫn thực hiện tốt. Điển hình như việc sử dụng máy photocopy, máy vi tính, soạn thảo văn bản... Tôi rất tự hào về cha mình, ông là tấm gương sáng cho anh em chúng tôi”.
NHỰT AN